Say câu hát dậm Quyển Sơn

"Làng Quyển Sơn sơn thủy hữu tình/Có huyệt tam thế một mình núi cao/Cỏ Thi mọc như chiêm bao/Để cho thiên hạ ước ao đến tìm/Đồn rằng núi Cấm lắm chim/Để cho thiên hạ đến tìm cỏ Thi/ Một năm tế lễ có một kỳ/ Luật làng phép nước hát đủ 30 ngày/Trên hát Dậm dưới sông bơi chải/Các cụ già tế lễ thần ngồi kiệu hoa/Nơi đô vật, nơi chọi gà/Nơi đánh cờ tướng, nơi là kéo co"…

Bà Lâm (mặc áo nâu) hát dậm cho các du khách tới tham quan đền Trúc.

Bước sang tuổi 83 nhưng bà Trịnh Thị Phương Lâm, Câu lạc bộ hát Dậm người cao tuổi Quyển Sơn, Chủ đội tế lễ tại đền Trúc, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Sang sảng đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ nói về lễ hội đền Trúc, bà Lâm cười cho biết: Đúng như câu ca trên, hằng năm, hội đền Trúc diễn ra trong vòng một tháng. Đền chính thức mở cửa khai hội vào ngày 10/1 (âm lịch), kết thúc lễ hội vào ngày 10/2 (âm lịch). Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ, phần hội đông vui với nhiều trò chơi dân gian độc đáo thì hát dậm là phần quan trọng không thể thiếu, là nét văn hóa đặc sắc chỉ có ở vùng Quyển Sơn.

Theo lời kể của bà Lâm, nguồn gốc hát dậm Quyển Sơn gắn với chiến thắng giặc lẫy lừng của Lý Thường Kiệt. Tương truyền, xưa kia vùng Quyển Sơn có tên là trại Canh Dịch. Năm 1069, Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Chiêm Thành, khi qua trại Canh Dịch, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt gặp một trận cuồng phong lớn. Trận cuồng phong đó đã bẻ gẫy cột buồm, cuốn lá cờ lên trên đỉnh núi. Thấy gió to, Lý Thường Kiệt lệnh cho quân dừng thuyền bên sông để tránh gió. Đêm đó, trong giấc ngủ, Lý Thường Kiệt nằm mơ thấy có một người mẹ trên tay bế con đứng ở đầu thuyền và nói: Trận này cất quân đi đánh giặc sẽ giành thắng lợi. Mơ thấy điềm lành, sáng ra, Lý Thường Kiệt cho quân lên bờ sửa soạn lễ vật tế trời đất cầu chiến thắng. Ông đặt tên ngọn núi có lá cờ bị cuốn lên trên là núi Cuốn Sơn, trại Canh Dịch thành làng Cuốn Sơn, sau này được đổi thành làng Quyển Sơn.

Đúng như điềm báo trong giấc mộng, lần xuất quân ấy, dưới sự chỉ huy tài tình của Lý Thường Kiệt, quân ta giành thắng lợi lớn. Trên đường trở về, qua vùng Quyển Sơn, Lý Thường Kiệt cho quân dừng lại làm lễ tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sĩ, mở hội khao dân làng ăn mừng chiến thắng. Trong thời gian ngắn lưu lại Quyển Sơn, Lý Thường Kiệt cho tuyển những cô gái trẻ, có nhan sắc (chưa chồng) trong làng tới dạy múa hát; chọn những chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ dạy đua thuyền. Ông còn dạy dân nơi đây trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Những điệu múa, lời ca ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước… mà ông dạy cho người dân nơi đây được gọi là hát "Dậm". Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng lập đền thờ ông tại đền Trúc.

Là người con quê hương hát dậm, đặc biệt trong gia đình có nhiều người tham gia hát dậm, chính vì vậy từ năm lên 5 tuổi bà Lâm đã được làm quen với những làn điệu hát dậm. Lên 8 tuổi, bà Lâm được mẹ dạy hát chính thức. 12 tuổi bà Lâm tham gia đội hát thiếu nhi của làng, vào ngày hội có lên đền hát biểu diễn. Năm 19 tuổi, bà Lâm lấy chồng. Mặc dù gia đình trải qua rất nhiều biến cố khó khăn (năm 1970, bà Lâm nhận được giấy báo tử của chồng) nhưng tình yêu với những làn điệu hát dậm được bà, được mẹ dạy cho từ thuở ấu thơ luôn được bà Lâm ấp ủ, gìn giữ.

Đầu những năm 1990, bà Lâm  là Chủ đội tế tại đền Trúc, đồng thời cũng là bà Trùm câu lạc bộ (CLB) hát Dậm người cao tuổi Quyển Sơn. Bà Lâm chia sẻ: CLB hát dậm người cao tuổi Quyển Sơn thường xuyên tổ chức luyện tập hát dậm tại sân đình, vừa là để luyện tập cho chuẩn chỉ từng lời ca, tiếng hát, vừa là để gìn giữ, bảo tồn làn điệu dân ca đặc sắc của quê hương. Ngoài ra, du khách tới tham quan, vãng cảnh đền Trúc nếu có nhu cầu, bà Lâm sẵn sàng hát phục vụ, giới thiệu, quảng bá những làn điệu hát dậm đặc sắc chỉ có ở vùng Quyển Sơn.

Được biết, là thành viên nòng cốt của CLB, những năm qua, bà Lâm còn tham gia nhiều liên hoan, diễn xướng và đã giành được nhiều giải cao. Cụ thể, năm 2016, bà Lâm được Ban tổ chức liên hoan diễn xướng Chầu văn tỉnh Hà Nam mở rộng lần thứ II - 2016, chứng nhận: Đã đạt thành tích xuất sắc tại liên hoan diễn xướng Chầu văn tỉnh Hà Nam; năm 2017 được Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) tặng Giấy khen: Đã có thành tích xuất sắc tại liên hoan hát Văn, hát Chầu văn năm 2017; năm 2018 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch...

"Là cất quân đi đánh Chiêm Thành (khoan khoan ta xá hồ khoan). Bắt được tướng nó giao binh khải hoàn (hồ vậy, dô vậy, dô là). Dẹp hết man mọi gần xa (khoan khoan ta xá hồ khoan). Thu về một nhà bố bể lâng lâng (hồ vậy, dô vậy, dô là)…”.  Hát cho chúng tôi nghe một làn điệu hát dậm, bà Lâm bộc bạch: Nét độc đáo của hát dậm là khi hát có kèm theo múa.

Ngoài ra, lời hát có những tiếng đệm khác hẳn với dân ca các vùng miền khác, đó là: “là ấy chàng ối dã”, “là hồi la lết, la lết lê la, là lại hồi là”, “cái rộng tang tính, ta tính tình tang, ta lang tang tình”… Hát dậm gắn bó với tôi từ thuở còn thơ. Giờ đã hơn 80 tuổi nhưng tôi vẫn say với từng câu hát, với từng làn điệu. Vì vậy, còn khỏe tôi còn tham gia hát dậm, sẵn sàng truyền dạy cho con cháu, cho các thế hệ trẻ với mong muốn làn điệu hát dậm độc đáo của quê hương sẽ luôn được các thế hệ tiếp nối bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy