Đình An Hòa: Lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật

Đình An Hòa (thôn An Hòa, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm), một trong những ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia, nổi trội với những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Đây là địa chỉ đã và đang thu hút du khách xa gần tới tham quan, chiêm bái.

Truyền thuyết địa phương và thần phả đình An Hòa đều ghi nhận sự kiện nhiều trai đinh thôn Triền (nay là thôn An Hòa) đã tình nguyện đi theo Thái tử Linh Lang đánh giặc phương Nam. Thái tử là con vua Lý Thái Tông và đệ nhất cung phi Trương Thị Phương. Trong số trai tráng khỏe mạnh của thôn, có mười hai người có tài được Thái tử Linh Lang cân nhắc để chỉ huy quân sĩ.

Đặc biệt, các ông Kiều Đức Mậu, Phạm Duy Thường, Nguyễn Công Tân được cử làm tướng, giúp việc huấn luyện quân đội trên khu đất gần chùa ở phía tây nam làng. Truyền thuyết cũng nói đến con đường thủy mà Linh Lang cùng quân nhà Lý từ Thăng Long về An Hòa, rồi từ đây ra sông Đáy. Đó là con sông cổ, uốn khúc nhiều đoạn dẫn nước từ sông Châu chảy qua làng Triền, làng Bến (thôn Hòa Ngãi ngày nay)… thông với sông Đáy ở Đoan Vĩ (xã Thanh Hải, Thanh Liêm).

Trong 3 vị tướng người An Hòa, nổi lên ông Kiều Đức Mậu. Ông vốn là người ở vùng núi phía Tây huyện Thanh Liêm. Ông giữ chức Tham tán trong bộ máy chỉ huy của Thái tử Linh Lang. Sau khi thắng giặc, ông được vua Lý Thái Tông chọn làm phò mã (con rể vua). Mến con người, chuộng phong cảnh làng Triền nên ông đã lập cung riêng ở đây, lại cấp tiền cho người lưu tán để mở mang, lập ấp.

Linh Lang và Kiều Đức Mậu có công lớn với nước, với dân, đã để lại dấu ân sâu đậm nơi đây nên đã được dân làng Triền tôn làm Thành hoàng bảo trợ, thờ phụng tại đình làng. Ngoài thờ hai vị Thành hoàng, dân làng An Hòa còn thờ các vị tổ lập làng thuộc các dòng họ Phạm, Nguyễn, Lê, Lại, Kiều, Trịnh, Ngô, Hoàng, trong đó hai dòng họ đông nhất là họ Phạm, họ Nguyễn.

Ngoài đình làng thờ Thành hoàng và các ông tổ lập làng, ở thôn An Hòa còn có đền thời bà Trương Thị Phương – thân mẫu Thái tử Linh Lang và từ đường các dòng họ, nhất là từ đường họ Phạm.
Đình An Hòa tọa lạc trên khu đất rộng ở phía đông nam làng. Mặt trước đình là hồ nước rộng. Ngăn cách đình với đường làng là các cột đồng trụ, tường bao.

Đình An Hòa Lịch sử kiến trúc nghệ thuật
Đình An Hòa, thôn An Hòa, xã Thanh Hà (Thanh Liêm). Ảnh: Trương Dũng

Kiến trúc ngôi đình đồ sộ, bề thế. Tòa tiền đường quay hướng nam, dài 18,4m, rộng 11,2m. Đây là công trình mái cong, bốn mái trải rộng với các đao góc, đầu rồng, hình phượng con sô, kìm nóc làm cho bộ mái thêm nhẹ nhàng, mềm mại. Bốn mái được lợp bằng ngói mũi hài cổ. Kiến trúc của ngôi đình làm theo lối chồng rường, bẩy, kẻ mang phong cách thời hậu Lê. Bộ khung công trình theo lối tứ trụ, mỗi vì có 4 cột. Ngôi đình có tất cả 6 vì, giằng giữ các vì có xà lòng, xà thượng, xà hạ. Quan trọng nhất của bộ khung là cột. Cột cái đường kính 0,4m làm kiểu búp đòng thanh thoát, đặt trên chân tảng đá xanh, hình vuông đục nổi gương tròn. Cột quân, đường kính 0,3m hài hòa với cột cái. Các câu đầu của đình dài tới 4,5m làm kiểu má chai, giữa to, hai đầu nhỏ dần. Dạ câu đầu tạo gờ chỉ, lá sòi đẹp mắt. Câu đầu đặt trên đầu dư trang trí cầu kỳ. Mỗi đầu dư là một đầu rồng đục chạm kênh bong, nhấn tỉa khéo léo. Mỗi đầu dư mang dáng vẻ riêng. Phần sau của đầu dư cũng là phía sau của đầu cột được đục chạm tạo thân hoặc đuôi rồng.

Hệ thống bẩy của ngôi đình gồm bẩy tiền, bẩy hậu và 12 bẩy phụ ở góc đao và mái chái. Các bẩy được tạo dáng và có kích cỡ khác nhau, vị trí cao thấp khác nhau để đỡ cho mái cong dần về hai phía. Chạm khắc được ưu tiên cho hàng bẩy tiền, nhất là bẩy ở gian giữa, chạm khắc lối kênh bong các cảnh long chầu, long vân uốn lượn sinh động, đan xen là lá lật, lá hỏa, chỉ đơn, chỉ kép. Các con rường, trụ non, đấu trụ trên vì làm kiểu ống tơ, hai đầu tạo một con thú ghé vai đỡ hoành, hoặc điểm các họa tiết hoa lá, lá hỏa.

Đình An Hòa Lịch sử kiến trúc nghệ thuật

Toàn bộ kết cấu gỗ (giàn mái, bộ vì) của đình An Hòa được chọn lọc, ngâm tẩm kỹ vật liệu thuộc gỗ tứ thiết, đặc biệt là gỗ lim. Chế tác, lắp ráp các cấu kiện và dựng đình đòi hỏi người thợ xưa có tay nghề cao để bảo đảm các yêu cầu cao về kỹ thuật và thẩm mỹ.

Cùng với giá trị về lịch sử, kiến trúc, đình An Hòa còn nổi bật với giá trị về nghệ thuật, cụ thể là nghệ thuật điêu khắc với các mảng phù điêu, cách gọi thông dụng là các mảng chạm khắc. Chất dân gian dân dã sâu đậm, tinh tế nhưng không kém phần ý vị, sâu sắc, kéo tứ linh (long, ly, quy, phượng) xuống và gần gũi với đời thường. Các mảng chạm trên các con rường, hà diệp, xà nách, xà đùi ở hai gian chái đình thể hiện cảnh rồng mớm, rồng âu yếm vờn nhau, cảnh trúc, sen hóa rồng, cảnh đầu người mình chim (giao thoa với nghệ thuật Chăm), cảnh rồng mẹ vui với rồng con, ly lớn lấy chân ghìm giữ ly con, ly cắn tai rồng, ly cắn đuôi nhau.

Đình An Hòa Lịch sử kiến trúc nghệ thuật

Những mảng chạm thuần chất, đậm đà dân gian rất đáng chú ý. Trên ván bưng có cảnh hai người ôm gà chọi trên tay châu mỏ vào nhau như dang dở cuộc đấu, đan xen họa tiết bông hoa. Trên xà nách gian giữa, ngoài tứ linh, các băng lá sòi, sen hóa, có cảnh tiên cưỡi rồng, cảnh con hổ nhe răng dữ tợn, cảnh chim và sóc tranh mồi, cảnh ly leo lên cây ăn quả, cảnh ly đeo chuỗi nhạc ngựa và người giành giữ lấy chân đạp ghì chân ly. Trên trụ non chạm cảnh hai con thú đang ôm giữ bông hoa sen cách điệu. Tại hàng xà nách phía trong nổi lên cảnh người đóng khố leo cây, một tay hái quả, một tay giữ cành, đây là cảnh hái dừa, con người được cách điệu với thân thể to lớn so với cây cối xung quanh. Trên hà diệp lại còn chạm cảnh chim cốc ngậm con cá với tư thế nghếch cổ lên; đồng thời cũng chạm nổi cảnh hai chiếc thuyền rồng, một chiếc đang di chuyển với bốn người đóng khố chèo thuyền và một chiếc chỉ còn đuôi thuyền, mặt nước gợn sóng, cá lượn tung tăng, cảnh này gắn với sự kiện Thái tử Linh Lang và tướng sĩ hành binh trên sông đi đánh giặc phương Nam. Qua các mảng chạm trên ta thấy khung cảnh làng quê xa xưa, làm ăn và vui chơi đầm ấm, phóng đạt, dân dã và một thiên nhiên gần gũi, hòa nhập với con người.

Ngoài kiến trúc, điêu khắc, các cổ vật tại đình An Hòa cũng giàu giá trị mỹ thuật như bốn cỗ ngai, hương án đặt ở gian giữa tòa tiền đường, bát hương đồng, cửa võng… Bên cạnh hình dáng, kiểu cách bắt mắt, trang trí trên các đồ thờ có giá trị thẩm mỹ cao.

Đặt ngôi đình An Hòa trong một không gian lịch sử, văn hóa, với các di tích kế cận, với các làng nghề thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi, các di sản văn hóa phi vật thể, càng tôn thêm lợi thế của di tích này. Các yếu tố đã có, để đình An Hòa cùng các di tích khác trong thôn và nghề thêu ren trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Tam Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  Trần Minh Hiếu
    1 năm trước

    ý nghĩa bản sắc dân tộc của đình An Hòa là gì?

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy