Chứng lão - Nét đẹp văn hóa ở Bình Nam

Đã thành lệ, bao năm qua, cứ vào sáng ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, các cụ tuổi tròn (từ 70, 75 trở lên) ở Tổ dân phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục chuẩn bị trang phục chỉnh tề cùng con cháu lên đình Cống làm lễ tế thánh và tham dự lễ mừng thọ đầu Xuân.

Nói về nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ nhiều đời nay, đồng chí Nguyễn Thị Tính, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Bình Nam cho biết: Từ xa xưa, khi lễ mừng thọ chưa được quan tâm tổ chức như ngày nay, theo các cụ truyền lại, hằng năm, cứ vào sáng ngày mùng 4 Tết, tại đình Cống, thôn Thượng Thọ xưa (nay là tổ dân phố Bình Nam) các cụ được tuổi lão (từ 70, 75, 80, 85...) cùng con cháu sắm lễ lên đình tế thánh, cầu thánh chứng cho tuổi mới được mạnh khỏe, bình yên, sống vui cùng con cháu... Đặc biệt, vào ngày mùng 4 Tết, những ai qua tuổi 53 (kể cả nam lẫn nữ) cũng có lễ dâng lên thành hoàng làng (các cụ xưa gọi là lên lão hoa mơ), cầu thánh phù hộ cho mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, phát đạt; gia đình thuận hòa, hạnh phúc...

Để lễ tế thánh ngày mùng 4 Tết được trang nghiêm, trong văn tế dâng thánh có đầy đủ họ tên, tuổi của các cụ được tuổi lão, trước ngày lễ, gia đình có người được tuổi lão sẽ lên đình đăng ký danh sách với Ban quản lý di tích đình. Nhiều cụ sinh sống xa quê được tuổi lão không về được nhờ cháu con, họ hàng lên đình đăng ký giúp.

Chứng lão  Nét đẹp văn hóa ở Bình Nam
Đình Cống - nơi hằng năm diễn ra lễ chứng lão, mừng thọ ở tổ dân phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục).

Về Bình Nam, qua tìm hiểu được biết: Duy trì nét đẹp văn hóa cha ông truyền lại, ngày nay, tại đình Cống, vào sáng ngày mùng 4 Tết, không chỉ có lễ thánh chứng cho các cụ được tuổi lão, mà thôn còn long trọng tổ chức lễ mừng thọ, trao giấy chứng nhận, trao quà cho các cụ tuổi tròn trong dịp đầu Xuân năm mới. Lễ mừng thọ được tổ chức trước lễ tế. Sau khi nhấn mạnh vai trò, vị trí của người cao tuổi trong phần khai mạc, Ban tổ chức đọc tên, tuổi từng cụ được tuổi lão theo thứ tự từ cao xuống thấp, mời từng cụ lên nhận giấy chứng nhận tuổi thọ và quà.

Ngoài phần quà của Nhà nước theo quy định, quà của Ban quản lý di tích tặng cho mỗi cụ là một chiếc khăn mầu đỏ (khăn xếp cho cụ ông, khăn vấn cho cụ bà). Sau lễ mừng thọ, các cụ tiếp tục tham dự lễ tế. Nội dung văn tế dâng thánh có cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho dân làng được khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, làng xóm bình yên. Đặc biệt, cầu thánh chứng cho các cụ được tuổi lão mạnh khỏe, trường thọ, sống vui, sống có ích... 

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Bí thư Chi bộ tổ dân phố Bình Nam Nguyễn Thị Tính cho biết thêm: Năm nào cũng vậy, mừng cho các gia đình có người được tuổi lão, ngay từ chiều mùng 3 Tết, người dân trong làng, giờ là tổ phố rủ nhau tới nhà các cụ chúc thọ, chia vui cùng gia đình. Sáng sớm ngày mùng 4 Tết, sân đình, trong đình đông kín người. Tổ chức lễ mừng thọ các cụ, năm nào đình cũng bắc rạp, kê bàn ghế, có nước, trầu cau, bánh kẹo mời mọi người đến dự.

Về phần lễ thánh, ngoài lễ do Ban quản lý đình chuẩn bị, nhà nào có người được tuổi lão cũng chuẩn bị một mâm lễ lên đình lễ Thành hoàng làng. Lễ mặn, lễ ngọt tùy gia đình chuẩn bị, nhưng phần đa các gia đình chuẩn bị lễ mặn gồm mâm xôi - sỏ lợn hoặc mâm xôi - con gà. Tầm 9 giờ lễ thánh xong, các gia đình cùng hạ lễ tán lộc cho dân làng, một phần lộc mang về cho con cháu trong gia đình, dòng tộc. Buổi trưa hôm đó, trước kia, nhiều gia đình mổ lợn làm hàng chục mâm cỗ mời dân làng. Ngày nay, thực hiện nếp sống văn hóa mới, đa số các gia đình chỉ làm cơm xum vầy, vui vẻ cùng con cháu trong họ hàng, dòng tộc.   

Chứng lão, mừng thọ là nét đẹp văn hóa, thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn đối với người cao tuổi. Theo đồng chí Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Bình Nam, duy trì tốt việc tổ chức lễ chứng lão, mừng thọ đầu năm không chỉ nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, vai trò của người cao tuổi mà còn góp phần quan trọng động viên, khích lệ các cụ "sống vui, sống khỏe, sống có ích", sống mẫu mực, là gương sáng cho con cháu học tập và noi theo. Đây cũng là dịp nhắc nhở cháu con ghi nhớ công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, từ đó nhân rộng phong trào chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi để người cao tuổi tiếp tục góp công, hiến kế xây dựng và đổi mới quê hương.  

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy