Những điều cần chú ý trước khi mua xe trả góp để tránh bị vỡ nợ

Trước khi quyết định mua xe trả góp, cần tìm hiểu gói vay và cân nhắc thật kỹ về khả năng trả nợ, chi tiêu gia đình để hạn chế những rủi ro.

Chỉ mua xe trả góp khi có nguồn thu nhập ổn định, tính toán kỹ chi phí phát sinh nhằm tránh rơi vào tình cảnh "vỡ nợ"

Vay ngân hàng đã trả hết nợ chưa?

Đây là câu hỏi đầu tiên mà nhân viên ngân hàng sẽ hỏi người vay, nhằm kiểm tra kinh nghiệm và mức độ hiểu biết của khách hàng. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, nhân viên tư vấn liền đưa ra gói ưu đãi hấp dẫn khi mua ô tô trả góp.

Thực tế, gói “ưu đãi” lại chính là hình thức “giảm trước - tăng sau”. Theo đó, nhiều ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất trong năm đầu tiên khoảng 6,5%. Nhưng bước sang các năm tiếp theo, lãi suất có thể lên tới hơn 10%, tuỳ vào biên độ thị trường.

Hơn nữa, mức “ưu đãi” chỉ áp dụng cho gói vay có thời hạn từ 3-8 năm, do đó sẽ kéo dài thời gian trả nợ và số tiền lãi tăng nhiều hơn mức vay ngắn hạn.

Còn nếu vay ngắn hạn từ 1-3 năm, mức lãi suất sẽ giao động từ 9-11%/năm. Tính ra, gói vay “ưu đãi” chưa chắc đã có lợi cho khách hàng. Chính vì vậy, người mua xe trả góp nên yêu cầu ngân hàng lập bảng chi tiết về gói vay ngắn hạn và dài hạn để có thể so sánh thực tế.

Lựa chọn ngân hàng phù hợp

Theo kinh nghiệm của những người từng mua xe trả góp, mua xe trả góp nên để ý nhiều hơn đến các ngân hàng đang chạy chương trình khuyến mãi, quảng cáo rầm rộ các gói vay mua xe trả góp. Càng được tập trung quảng bá, càng chứng tỏ ngân hàng đó có chiến lược ưu tiên đối với thị trường cho vay mua xe trả góp.

Ngoài ra, có thể ưu tiên chọn những ngân hàng đã có thế mạnh trong việc cho vay trả góp mua xe để nhận được thủ tục giải quyết chuyên nghiệp, nhanh gọn và lãi suất ưu đãi hơn.

Chi phí phát sinh sau khi ký hợp đồng

Ban đầu, phía ngân hàng chỉ nhắc đến lãi suất và tiến độ trả nợ, nhưng khi khách hàng đồng ý vay mua ô tô trả góp sẽ xuất hiện thêm hàng loạt phát sinh như: Phí mở tín dụng, phí quản lý tín dụng, phí công chứng, phí trả nợ trước hạn, phí bảo hiểm khoản vay,…

Những phí trên thường tính bằng %/năm, nhưng sẽ được cộng dồn để thanh toán ngay. Cuối cùng, lãi suất thực có thể tăng cao hơn từ 0,4-0,6% so với mức ngân hàng thông báo.

Cân nhắc tài chính

Khi tính đến chuyện mua ô tô trả góp, đầu tiên nên xem xét khả năng trả nợ gốc và lãi hàng tháng. Vì vậy, người vay cần có công việc ổn định, thu nhập đáp ứng được việc trả nợ và sinh hoạt chi tiêu. Bên cạnh đó, cũng không được có bất kỳ khoản nợ xấu nào trên hệ thống các ngân hàng.

Cân nhắc về giá xe lăn bánh

Ngoài tiền mua xe tại đại lý, người mua xe cần chủ động một khoản tiền lớn tương đương với 13% giá trị xe như: phí thẩm định tài sản vay, phí đăng ký mới, thuế trước bạ, lệ phí đăng kiểm, bảo hiểm xe, tiền xăng dầu.

Nếu chưa có kinh nghiệm trong việc vay ngân hàng, người mua có thể bị “choáng” trước hàng loạt phí phát sinh làm ảnh hưởng đến chi tiêu gia đình. Hướng đi an toàn nhất là chỉ mua xe trả góp khi có nguồn thu nhập ổn định, tính toán kỹ chi phí phát sinh nhằm tránh rơi vào tình cảnh "vỡ nợ".

Theo Báo Giao thông

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.