Xe điện dù có tỷ lệ cháy thấp hơn xe xăng dầu nhưng một khi đã cháy sẽ khó dập lửa. Loại pin mới gần đây được nhiều hãng xe sử dụng đã giảm thiểu nguy cơ này.
Theo Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Mỹ, mỗi năm tại quốc gia này có khoảng 170.000 vụ cháy ô tô diễn ra. Trong đó, cứ 100.000 ô tô động cơ đốt trong sẽ có 1.530 vụ cháy. Ngược lại, cứ 100.000 ô tô điện lại chỉ có 25 vụ việc mỗi năm. Đây là một con số rõ ràng cho thấy xe điện an toàn và khó cháy nổ hơn xe xăng dầu.
Dẫu vậy, so với cháy xe xăng/dầu, những vụ cháy xe điện gần như không thể dập tắt và đám cháy chỉ dừng lại khi chiếc xe đã cháy rụi hoàn toàn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, nguyên nhân gây ra khó khăn cho việc chữa cháy, đó chính là do hiện tượng hóa học mang tên “thoát nhiệt” trong pin Lithium.
Hiện nay, hầu hết các loại xe điện đang được phân phối và sử dụng trên thị trường đều sử dụng loại pin điện Lithium-Ion. Khi cháy, thành phần tế bào Lithium-Ion sẽ tiến tới phản ứng tự sinh nhiệt và tạo ra khí oxy. Do đó, dù cho đám cháy được dập tắt, bộ pin sẽ tiếp tục tự tạo ra oxy và tự đốt nóng làm bùng phát ngọn lửa trở lại. Hiện tượng này sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi bộ pin cháy hoàn toàn.
Một số thành phần hóa học trong pin xe điện có khả năng gây ra sự thoát nhiệt với mức độ khác nhau. Điển hình như hãng Tesla, họ sử dụng các thành phần hóa học pin khác nhau cho từng mẫu xe và từng thị trường riêng biệt, bao gồm cả việc sử dụng pin điện của nhiều hãng trên thị trường.
Có 3 loại pin Lithium chính đang được ứng dụng trong sản xuất xe điện bao gồm pin Lithium Niken Coban Nhôm Oxit (NCA), pin Lithium Niken Coban Mangan (NCM) và pin Lithium-Ion Phốt-phát (LFP). Trong đó, cả 2 loại pin NCA và NCM có khả năng diễn ra tình trạng thoát nhiệt dễ dàng hơn so với pin LFP.
Đối với pin NCA/NCM, điểm đánh lửa và thoát nhiệt sẽ phản ứng ở nhiệt độ 150 độ C, trong khi pin LFP có điểm đánh lửa tới 260 độ C. Điều này dẫn tới việc pin LFP an toàn hơn trước những vụ hỏa hoạn.
Dù cho pin Lithium-Ion Phốt-phát vẫn xảy ra hiện tượng thoát nhiệt trong các vụ cháy, nhưng nó cho người ta thêm thời gian có thể phản ứng trước sự cố pin, từ đó dẫn tới việc ngăn một vụ cháy ngay từ trước khi nó kịp diễn ra.
Nhiều nhà sản xuất đang đề ra xu hướng chuyển đổi sử dụng từ 2 loại pin NCA/NCM sang loại pin LFP nhằm đảm bảo an toàn hơn, tiêu biểu có thể kể đến như Ford hay Volkswagen. Hãng xe Việt Vinfast cũng ứng dụng loại pin LFP hiện nay trên sản phẩm xe điện VF e34 phục vụ thị trường Việt Nam.
Theo vietnamnet.vn