Anh dũng trong thời chiến, tích cực làm kinh tế trong thời bình là phương châm sống của cựu chiến binh (CCB) Trương Quang Hưng (sinh năm 1953), ở Tiểu khu Kiện, thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm). Ông là tấm gương sáng, điển hình cho lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, chúng tôi có dịp về thăm gia đình bệnh binh Trương Quang Hưng theo lời giới thiệu của chính quyền địa phương. Là thương binh 61%, nhưng ông vẫn luôn lạc quan, nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không những bảo đảm cuộc sống gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Năm 1974, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hưng lên đường nhập ngũ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, năm 1982 ông Hưng xuất ngũ trở về địa phương. Cuộc sống với bao bộn bề, dù cố gắng lao động sản xuất nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Không chịu khuất phục đói nghèo, ông Hưng bắt đầu học làm nghề mộc. Ban đầu, ông đi làm thuê cho các xưởng để học nghề. Khi đã có chút kinh nghiệm, ông quyết định vay mượn vốn của gia đình, anh em, bạn bè đầu tư mở một xưởng mộc nhỏ sản xuất các sản phẩm đồ gỗ gia dụng.
Trong quá trình làm việc, ông luôn chú ý nắm bắt xu hướng thị trường, từ đó nâng dần quy mô, mua thêm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Trương Quang Hưng chia sẻ: Để sản xuất được những mặt hàng chất lượng thì điều đầu tiên cần phải có nguyên liệu tốt, sau đó là tay nghề cao để tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp. Trong thời gian mới mở xưởng, tôi luôn chú trọng tìm kiếm nguồn gỗ tốt; tham khảo mẫu mã, kiểu dáng mới nhất để phục vụ khách hàng.
Thời gian đầu, các sản phẩm nội thất xưởng mộc của ông làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em họ hàng và một số người dân trong xã. Nhờ chăm chỉ học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tiếp thu những xu hướng hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống, ông Hưng liên tục cải tiến kỹ thuật và đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất giúp giảm thời gian lao động, tăng độ chính xác và thẩm mỹ của từng sản phẩm. Nhờ vậy, việc kinh doanh của ông ngày càng phát triển. Xưởng mộc ngày càng có uy tín, khách hàng ngày một nhiều, ông cũng có thêm nhiều công trình nhận thi công nội thất đồ gỗ lớn. Lợi nhuận thu được mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, xưởng mộc của ông Hưng tạo việc làm cho 4 - 5 thợ mộc, mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng. Là người gắn bó với xưởng mộc của ông Hưng hơn 10 năm, anh Trương Văn Sỹ cho biết: Bác Hưng là người sống rất tình cảm nên luôn tạo cho anh em môi trường làm việc thoải mái. Công việc rất đều nên chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định. Trong quá trình làm việc, bác Hưng rất tận tình chỉ bảo anh em, nhất là những sản phẩm mới nên chúng tôi yên tâm làm việc.
Đánh giá về người bệnh binh tiêu biểu, ông Hoàng Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho biết: Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tiên phong thực hiện phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, bệnh binh Trương Quang Hưng còn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Ông nhiều năm liền được tín nhiệm bầu là tổ trưởng tổ dân phố, tham gia ban chấp hành chi hội CCB, tổ trưởng tổ thương binh liệt sỹ... Và ở cương vị nào ông Hưng cũng luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, hội viên và nhân dân chấp hành tốt quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương, thi đua phát triển kinh tế, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Ông là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay học tập và noi theo.
Với những thành tích đạt được, ông Trương Quang Hưng nhiều lần được nhận khen thưởng của UBND các cấp là gia đình người có công tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Năm 2022, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Minh Nguyệt