Đã bước sang tuổi 70, đáng lý được nghỉ ngơi, nhưng ngày ngày cựu chiến binh (CCB) Trần Bình Yên, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) vẫn vui vẻ, cần mẫn, chăm chỉ với công việc chăm sóc vườn na, vườn rau sắng để phát triển kinh tế gia đình. Từng là người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, xuất ngũ trở về quê hương năm 1980, hàng chục năm qua, CCB Trần Bình Yên luôn tích cực lao động sản xuất, tham gia công tác xã hội, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường.
Dưới bóng mát của những cây ăn quả lâu năm nơi vườn đồi Ba Sao của gia đình, CCB Trần Bình Yên xúc động nhớ lại những kỷ niệm 47 năm về trước, ngày ấy ông còn là chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi, đầy nhiệt huyết và quyết tâm lên đường chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo lời kể của CCB Trần Bình Yên: Ông nhập ngũ tháng 12 năm 1972, vào Trung đoàn 207. Sau đó, ông được cử đi học lái xe tăng. Cuối năm 1974 ông được bổ sung vào Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, cùng đơn vị hành quân vào tập kết tại rừng cao su Ông Quế, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
CCB Trần Bình Yên bồi hồi nhớ lại: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi được giao lái chiếc xe tăng T54B-846, Trưởng xe là đồng chí Nguyễn Quang Hòa, pháo thủ số 1 là đồng chí Nguyễn Ngọc Quý, pháo thủ số 2 là đồng chí Nguyễn Bá Tứ, thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 203 đánh vào Trường sĩ quan Thiết Giáp Ngụy ở căn cứ Nước Trong, Long Thành, Đồng Nai. Là mũi thọc sâu nên trước chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được Lữ đoàn phổ biến rất kỹ nhiệm vụ tác chiến, giao nhiệm vụ trên bản đồ; được lệnh hiệu chỉnh lại tất cả súng pháo, kính ngắm cho chuẩn... Trước khi tham gia trận đấu, phải tháo bỏ hết các thùng dầu phụ (trên xe tăng có 3 thùng dầu phụ, mỗi thùng 90 lít) phòng khi xe dính đạn bị cháy. Ngoài ra, để nâng cao sức khỏe, mỗi cán bộ chiến sĩ được tiêm hai mũi thuốc bổ động viên; được phổ biến mặc quần áo mới, tư trang còn lại để lại rừng cao su Ông Quế, có đơn vị trông coi.
Chiều ngày 26/4/1974, nhận lệnh từ cấp trên, pháo binh của ta bắn vào cửa mở khu căn cứ Nước Trong. Sau đó, công binh dùng bộc phá phá hàng rào. Khi hàng rào bị phá, xe tăng và bộ binh vượt rào đánh khu căn cứ... Đó là những trận đánh vô cùng ác liệt, nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh. Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm, sau khi đánh chiếm được Trường sĩ quan Thiết Giáp Ngụy ở căn cứ Nước Trong, xe tăng ta tiếp tục hành tiến. Khi vượt cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn, lúc này tàu chiến của địch ở dưới sông bắn lên, xe tăng ta bắn xuống. Máy bay địch ném bom hòng phá cầu nhưng bị các đơn vị của ta bắn trả. Tại đây xe 846 bắn trúng xe M48 của địch, bắt sống lái xe giao về cho Lữ đoàn. Sau khi tra hỏi lái xe, ta nắm được thông tin xe tăng của địch đã rút về phòng thủ tại cầu Thị Nghè. Thời điểm ấy xe 846 bị hết dầu không nổ máy được phải xin dầu từ xe K3B-746. Sau khi bổ sung dầu, xe 846 đi sau đội hình. Đây là lí do xe 846 vào Dinh Độc Lập sau các xe tăng khác. Khi vào trong sân Dinh Độc Lập xe 846 chạy vòng về bên trái, quay nòng pháo ra ngoài trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, phòng khi địch tập kích lại…
Tự hào là người lính từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, là nhân chứng lịch sử có mặt ở Dinh Độc Lập thời khắc Sài Gòn giải phóng - ngày 30/4/1975, trở về với cuộc sống đời thường, hàng chục năm qua CCB Trần Bình Yên luôn nỗ lực cố gắng trong thực hiện giảm nghèo, phát triển kinh tế vườn đồi, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Cùng với đó, ông còn tham gia lực lượng thanh tra nhân dân, Chi hội trưởng Chi hội trồng na. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Trần Bình Yên luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiều lần được UBND thị trấn khen thưởng.
CCB Trần Bình Yên chia sẻ: Tôi là người lính Cụ Hồ, trở về cuộc sống đời thường đã lâu nhưng những lời Bác Hồ dạy, tình cảm của Bác dành cho bộ đội nói riêng, dành cho cả dân tộc nói chung luôn đậm sâu trong trái tim tôi. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, những năm qua, tôi luôn xác định làm theo gương Bác phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Nhiều năm qua, để phát triển kinh tế gia đình, tôi mạnh dạn trồng na, trồng rau sắng thay thế ngô, sắn… nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. Cùng với đó, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ xã hội được giao… Tôi luôn nghĩ, mình là người lính may mắn có ngày trở về, phải sống sao cho xứng với đồng chí đồng đội đã anh dũng ngã xuống, sống sao cho xứng với danh hiệu bình dị mà cao quý, thiêng liêng: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Phạm Hiền