Đó là chị Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý. Tính đến năm 2019, chị Oanh đã 14 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Trò chuyện với chúng tôi, chị Oanh vui vẻ nói: Máu là một phần không thể thiếu trong cơ thể, giúp con người duy trì sự sống.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết, hiện có rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo cần tới máu. Với mong muốn được góp phần nhỏ bé để sẻ chia, giúp đỡ, cứu sống những người không may mắc bệnh hiểm nghèo, 10 năm qua tôi thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện, đồng thời tích cực vận động mọi người cùng tham gia hiến máu nhân đạo.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 1978 chị Oanh (ảnh) lên đường nhập ngũ. Năm 1981, xuất ngũ trở về địa phương chị hăng hái lao động sản xuất, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Không chỉ làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, cô còn được hội viên tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Kiều Đan Thượng. Ở cương vị nào, nhận bất cứ nhiệm vụ gì chị đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2018, chị được Hội CCB thành phố Phủ Lý tặng Giấy khen: Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện.
Nói về việc tham gia hiến máu tình nguyện, chị Oanh chia sẻ: Năm 2010, lần đầu tiên tôi tham gia hiến máu nhân đạo. Khi đó tôi cũng sợ và lo lắng lắm. Sợ đi hiến máu về sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, ảnh hưởng tới công việc. Tuy nhiên, sau khi có sự tư vấn trực tiếp của các bác sỹ, và sau lần đầu hiến máu về tôi thấy, hiến máu không có hại, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Hiến máu vừa giúp đỡ, cứu sống được những bệnh nhân cần truyền máu, đồng thời còn là cách để kiểm tra sức khỏe của mình thông qua kết quả xét nghiệm máu… Nhận thức rõ được điều đó, từ năm 2010 đến nay, năm nào tôi cũng tham gia hiến máu nhân đạo, có năm tham gia tới hai lần.
Hiến máu nhân đạo là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái, đạo lý tốt đẹp “Thương người như thể thương thân” của dân tộc. Ngoài việc trực tiếp tham gia hiến máu nhân đạo, chị Oanh còn tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia hiến máu tình nguyện.
Chị Oanh tâm sự: Tôi năm nay đã 58 tuổi, nhưng còn sức khỏe và đủ điều kiện, tôi còn tham gia hiến máu nhân đạo. Với tôi, hiến máu không chỉ là cho đi, không chỉ là sẻ chia, giúp đỡ mà mỗi lần đi hiến máu về tôi đều cảm thấy hạnh phúc bởi tôi biết rằng, những giọt máu của mình sẽ cứu sống được một bệnh nhân nào đó, khỏe mạnh trở về với cuộc sống đời thường.
Phạm Hiền
Phạm Hiền