Trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTXNN Nhân Mỹ (Lý Nhân) chia sẻ: Nghề nông vất vả lắm. Từ nhỏ tôi đã quen với cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, cảnh hôm sớm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”... của ông bà, cha mẹ. Bản thân tôi trước kia cũng từng phải cực nhọc cuốc, cày trên đồng ruộng. Biết là nhọc nhằn, vất vả, nhưng tôi thực sự yêu và muốn gắn bó với đồng đất quê hương. Đặc biệt, trong lòng luôn mong muốn làm thế nào để nông dân đỡ cực nhọc, vất vả mà hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng lại được nâng cao.
Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX NN Nhân Mỹ kiểm tra sổ sách của hợp tác xã.
Được biết, năm 1977, khi ấy mới 21 tuổi, bà Hòa được nhận vào làm kế toán HTXNN Nhân Mỹ. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo HTX, từ năm 1980 – 1985 bà theo học Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (hệ tại chức). Tốt nghiệp đại học, bà Hòa chuyển sang làm cán bộ kỹ thuật HTX trong 9 năm. Từ năm 1994, tham gia Ban quản lý, rồi làm Phó Chủ nhiệm HTX. Từ năm 1997 làm Chủ nhiệm, nay là Giám đốc HTX.
Bà Hòa bộc bạch: Muốn xây dựng mô hình mới phải trực tiếp làm cùng nông dân, có như vậy mới vận động nông dân nghe và làm theo. Rồi bà Hòa cười kể lại kỷ niệm nhớ mãi không quên. Đó là vụ xuân năm 2008, với mong muốn giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng, lần đầu tiên HTX đưa mô hình gieo sạ vào đồng ruộng. Thời điểm ấy, nông dân hoàn toàn bỡ ngỡ trước cách làm mới, kinh nghiệm chưa có, lúa gieo xuống gặp rét đậm, rét hại chết nhiều. Không nản lòng trước khó khăn thử thách, để thuyết phục nông dân giữ mô hình, song song với việc bám sát đồng ruộng, tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, HTX cam kết, nếu năng suất lúa sạ thấp hơn so với diện tích lúa cấy thủ công HTX sẽ trích quỹ bù phần thiếu hụt cho nông dân. Thật mừng, năm đó HTX không phải bù bất cứ đồng nào, bởi tuy gặp khó khăn bước đầu nhưng đến khi thu hoạch năng suất lúa gieo sạ lại cao hơn lúa cấy. Không chỉ gieo sạ, phần lớn các mô hình mới khi đưa vào đồng ruộng đều ít nhiều gặp khó khăn bởi nông dân đã quen với lối tư duy, canh tác cũ. Trên cương vị là Giám đốc HTX, bà Hòa cùng tập thể cán bộ HTX tích cực tuyên truyền, vận động; luôn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất... Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp ở Nhân Mỹ những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực.
Được huyện Lý Nhân xác định là xã trọng điểm về nông nghiệp, song song với việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, Nhân Mỹ còn thực hiện hiệu quả mô hình “Xây dựng cánh đồng mẫu”. Hiện diện tích đất trồng lúa của xã Nhân Mỹ là 370 ha, diện tích đất chuyển đổi là 50 ha (trong đó 15 ha trồng cây ăn quả, 35 ha xây dựng mô hình đa canh). Đến nay, khâu làm đất, khâu thu hoạch lúa đã cơ giới hóa 100%; gần 100% diện tích gieo cấy được thực hiện bằng phương pháp gieo sạ ở cả hai vụ xuân và mùa. Từ mô hình điểm với diện tích 30,2ha trong thực hiện Đề án “Xây dựng cánh đồng mẫu” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn HTX đã xây dựng được 9 cánh đồng mẫu, trong đó có hai cánh đồng có diện tích trên 30ha.
Năm 2018, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra thóc tươi cho các thành viên HTX trên diện tích 20ha với công ty có uy tín trên thị trường. Mô hình khẳng định được hiệu quả, đến năm 2021 HTX đứng ra ký kết bao tiêu sản phẩm thóc tươi hàng hóa chất lượng trên diện tích 80ha. Hiện, HTX có quầy bán vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu) bảo đảm uy tín, chất lượng, doanh thu đạt từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt từ 80-100 triệu đồng/năm. Bên cạnh cây lúa, Nhân Mỹ cũng là xã thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất cây vụ đông với cây trồng chủ lực là bí xanh, bí đỏ.
Hơn 40 năm gắn bó, trách nhiệm cao với nghề, nhờ sự quản lý, điều hành hiệu quả của Giám đốc Trần Thị Hòa, sự đoàn kết đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ của tập thể cán bộ HTX, năm 2018 HTXNN Nhân Mỹ được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Bản thân bà Hòa được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn”, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”...
Bà Hòa tâm sự: Tôi năm nay đã 65 tuổi. Tuổi cao, nhưng được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các thành viên HTX và bà con nông dân, hiện tôi vẫn đảm đương cương vị Giám đốc HTX. Trong công việc tôi xác định rõ: Luôn yêu, tận tâm, tận lực với nghề mình đã lựa chọn. Đặc biệt, để đẩy mạnh phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời kỳ mới, người đứng đầu HTX phải năng động, sáng tạo, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Suốt thời gian dài gắn bó với công việc của HTX, với tôi, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là: Sức lao động của nông dân đã được giải phóng nhiều; hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng được nâng cao; đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện.
Phạm Hiền