TP Phủ Lý tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, sớm đưa các trạm xử lý nước thải vào hoạt động

Theo đánh giá của ngành chức năng, các trạm xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố Phủ Lý thời gian qua chưa phát huy hiệu quả do việc đầu tư xây dựng không đồng bộ, thiếu mạng lưới thu gom nước thải cấp 2, cấp 3.

TP Phủ Lý tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại sớm đưa các trạm xử lý nước thải vào hoạt động
Trạm nước thải tại phường Thanh Châu (Phủ Lý) đóng cửa từ nhiều năm nay, cỏ dại mọc um tùm.

Để thu gom nước thải sinh hoạt từ hộ gia đình, cơ quan, đơn vị và nước thải trong sản xuất của doanh nghiệp, những năm qua, TP Phủ Lý đã đầu tư xây dựng một số nhà máy, trạm xử lý nước thải đô thị và khu công nghiệp (KCN). Theo thiết kế, toàn bộ nguồn nước thải được thu gom về nhà máy xử lý bảo đảm tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Song, hiện tại hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu mạng lưới thu gom nên việc quản lý, khai thác và vận hành của các nhà máy, trạm xử lý chưa đạt hiệu quả.

Thực hiện dự án chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông gắn với hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hiện hệ thống thoát nước thải của thành phố đã được thiết kế xây dựng độc lập với đường thoát nước mưa và toàn bộ nước thải được thu gom về trạm xử lý. Trên cơ sở đó, năm 2015 thành phố xây dựng trạm xử lý nước thải tại Phường Minh Khai, công suất 2.500 m3/ngày đêm; năm 2018 xây dựng trạm xử lý nước thải ở khu đô thị Bắc Châu Giang theo thiết kế, công suất 3.000 m3/ngày đêm, nhưng hiện công suất khai thác 1.500 m3/ngày đêm và tháng 9/2017 thành phố hoàn thiện trạm xử lý nước thải tại phường Thanh Châu với công suất 5.000 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, các trạm xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố thời gian qua chưa phát huy hiệu quả do việc đầu tư xây dựng không đồng bộ, thiếu mạng lưới thu gom nước thải cấp 2, cấp 3. Hiện tại, trạm xử lý nước thải khu đô thị Bắc Châu Giang chưa vận hành chính thức vì chưa xây dựng đường nước thu gom; trạm xử lý nước thải Phường Minh Khai sử dụng mạng lưới thu gom nước thải chung với các hệ thống thoát nước mưa nên khả năng thu gom nước thải về trạm xử lý bị hạn chế, không bảo đảm đủ công suất thiết kế.

Còn từ năm 2017, trạm xử lý nước thải phường Thanh Châu do Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam quản lý, nhưng đến nay công trình mới đầu tư trạm đầu mối và tuyến đường ống cấp 1, chưa xây dựng cổng thu gom cấp 2, cấp 3. Trong khi đó, ở các phường: Trần Hưng Đạo, Liêm Chính, Thanh Châu đang trong quá trình nâng cấp một số tuyến đường giao thông kết hợp xây dựng hệ thống đường ống thu gom nước thải, song chưa hoàn chỉnh.

Mặt khác, một số dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết hợp lắp đặt thoát nước thải, đặc biệt đoạn từ Đường Lê Duẩn đến quốc lộ 1A mặc dù theo kế hoạch xây dựng giai đoạn từ năm 2019 – 2021, nhưng dự án mới cắm mốc, kiểm kê, lên phương án giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng, các phương tiện vận chuyển vật liệu lưu thông đã làm sập rãnh thoát nước, lấp đầy lòng cống gây ngập úng cục bộ ở khu dân cư.

Trước tình trạng này, ngày 20/6/2019, UBND thành phố đã có Tờ trình số 209/TTr-UBND về việc đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành; đơn giá xử lý nước thải, dự toán chi phí vận hành trạm nước thải để UBND tỉnh phê duyệt. Mặc dù vậy đến nay trạm xử lý nước thải ở phường Thanh Châu vẫn chưa đi vào hoạt động.

Còn tại KCN Châu Sơn có 2 nhà máy xử lý nước thải với công suất 5.900m3/ngày đêm. Tuy vậy, thời gian qua việc tiêu nước xung quanh khu vực nhà máy xử lý nước thải của Công ty TNHH một thành viên VPID Hà Nam (đơn vị quản lý hạ tầng KCN Châu Sơn) nằm gần khu dân cư Nam Sơn đã phát sinh những tồn tại. Trạm có công suất 2.900 m3/ngày đêm thu gom, xử lý nước thải cho khoảng 50% số doanh nghiệp trong KCN. Hiện nay, nước thải sau khi xử lý chảy về kênh B1 và gần đây mỗi khi mưa lớn, nước trên kênh dâng cao từ 2,8 - 3 m nước thải chảy tràn ra khu đất cây xanh tại các lô G, F và dọc tuyến D6. Sau đó, nước chảy dồn về trạm bơm Thái Thượng Hòa và tràn ngược vào khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc cho nhân dân. Trước vấn đề này, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã yêu cầu đơn vị quản lý hạ tầng KCN Châu Sơn khẩn trương xây dựng kế hoạch nạo vét, khơi thông dòng chảy của tuyến kênh B1. Đồng thời, phối hợp với UBND phường Châu Sơn kiến nghị với Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu thoát nước để tránh tình trạng nước thải trên kênh B1 chảy ngược vào khu dân cư.

Ngoài ra, từ tháng 4/2021 UBND thành phố tiếp nhận Cụm công nghiệp Kim Bình và theo Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (mở rộng), điều chỉnh Cụm Công nghiệp Kim Bình từ 33,4 ha lên 73,4 ha. Ông Đỗ Kim Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Toàn bộ nguồn nước sinh hoạt, nước mưa tại đây đều chảy dồn về kênh tưới, tiêu A3-4 qua địa phận xã. Trong khi đó, đây là tuyến kênh quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước mưa ở khu dân cư và 2 HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Chính vì vậy, những năm qua nhân dân đã nhiều lần đề nghị ngành chức năng xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung để bảo đảm nguồn nước đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường nhưng đến nay chưa được thực hiện. 

Ông Hoàng Cao Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Phủ Lý cho biết: Để phát huy hiệu quả các trạm xử lý nước thải đã và đang xây dựng, hiện thành phố tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, nhất là trạm xử lý nước thải tại phường Thanh Châu và Khu đô thị Bắc Châu Giang. Tăng cường rà soát quy hoạch kết hợp với thường xuyên kiểm tra, giám sát và đẩy nhanh việc thi công các tuyến đường cống phù hợp với mạng lưới xử lý nước thải chung, sớm đưa các trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy