Tại KCN Châu Sơn (TP.Phủ Lý) hiện có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 5.900 m3/ngày đêm, bảo đảm việc thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, thời gian qua hệ thống thoát nước thải, việc xả bụi, khí thải của một số doanh nghiệp ở KCN còn ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực gây bức xúc trong nhân dân.
KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 1693/QĐ-BTNMT ngày 28/5/2018. Tại đây, hiện có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 5.900 m3/ngày đêm, bảo đảm việc thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nhà máy xử lý nước thải của Công ty TNHH một thành viên VPID Hà Nam (đơn vị quản lý hạ tầng KCN Châu Sơn) ở gần khu dân cư Nam Sơn có công suất 2.900 m3/ngày đêm phục vụ việc thu gom, xử lý nước thải cho khoảng 50% số doanh nghiệp trong KCN đang phát sinh những tồn tại.
Ông Trần Văn Khải ở khu dân cư Nam Sơn, phường Châu Sơn cho biết: Nước thải thoát ra khu vực tiếp giáp đất cây xanh của KCN tại vị trí lô G, lô F, dọc đường D6 chảy ra kênh thủy lợi B1 đến trạm bơm Thái Thượng Hòa khi mưa lớn nước tại kênh B1 dâng cao từ 2,8 m – 3 m tràn ngược vào khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt, đi lại và gây bức xúc cho nhân dân. Rất mong ngành chức năng có biện pháp xử lý kịp thời những bất cập hiện nay.
Theo báo cáo của ngành chức năng, Nhà máy xử lý nước thải được UBND tỉnh cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước chung với chất lượng nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp - Cột A trước khi thải ra kênh thủy lợi B1 và qua trạm bơm Thái Thượng Hòa chảy ra sông Đáy. Tại đây, được trang bị hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền tải dữ liệu quan trắc 24/24h về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.
Về kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý của nhà máy thời gian qua luôn bảo đảm giới hạn cho phép trước khi thải ra môi trường. Song để bảo đảm thoát nước khu dân cư Nam Sơn, vừa qua Ban Quản lý các KCN tỉnh đã yêu cầu đơn vị quản lý hạ tầng KCN Châu Sơn nạo vét, khơi thông dòng chảy phục vụ tiêu thoát nước kịp thời. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND phường Châu Sơn kiến nghị với đơn vị thủy nông huyện Kim Bảng triển khai các biện pháp không để nước tại kênh B1 chảy ngược vào khu dân cư.
Tại KCN Châu Sơn, thời gian qua có doanh nghiệp trong quá trình sản xuất đã xảy ra sự cố về môi trường ngay bước đầu khởi động lò đốt gây bức xúc cho nhân dân. Thực tế, từ năm 2018 tại đây đã triển khai dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm từ nhựa của Công ty cổ phần Nam Vang Hà Nam. Đến cuối năm 2019, dự án chính thức đi vào hoạt động và được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và Báo cáo ĐTM.
Dự án đầu tư và vận hành ổn định các công trình xử lý chất thải như: hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, xử lý bụi khí thải sản xuất, khí thải lò hơi, khu vực lưu giữ phế liệu và các nhà kho lưu giữ chất thải rắn. Hiện, đơn vị đã lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động khí thải liên tục truyền tải dữ liệu 24/24h về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tuy vậy, vào thời điểm khi nhóm lò hơi đơn vị sử dụng củi để mồi đốt nguyên liệu trong thời gian từ 10 -15 phút do đó đã xuất hiện cột khói màu đen phát tán trong khu vực. Với nguyên nhân này, ngành chức năng đã yêu cầu công ty sử dụng dầu DO thay củi để nhóm lò hơi và nghiêm túc không để tái diễn tình trạng khói đen phát tán. Bên cạnh đó, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty ngay trong quý III/2022 sau đó công khai kết quả thanh tra để nhân dân theo dõi, giám sát.
Do KCN ở gần với khu dân cư nên để bảo đảm sản xuất an toàn và bảo đảm môi trường trong khu vực thì việc khẩn trương hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, khơi thông hệ thống tiêu thoát nước thải sau xử lý, thay đổi nhiên liệu nhóm lò hơi ở các doanh nghiệp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, góp phần ngăn ngừa sự cố, bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phùng Thống