Tăng cường công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản vùng Tây Đáy

Nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vùng Tây Đáy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh quá trình hoạt động khai thác, chế biến đá của doanh nghiệp, từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp. Qua đó, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hạ tầng giao thông và nâng cao nguồn thu từ khai thác, chế biến đá. 

Theo ước tính toàn tỉnh có 89 điểm mỏ khai thác đá, trong đó có gần 70 mỏ được cấp phép dài hạn. Năm 2021, sản lượng ngành khai khoáng của tỉnh tăng 3,3% so với năm 2020, trong đó chủ yếu là lĩnh vực khai thác, chế biến đá và ước các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá nộp ngân sách cho nhà nước khoảng gần 800 tỷ đồng. 

Có được kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung đo lại trữ lượng của các mỏ, đánh giá trữ lượng đá còn lại và khối lượng đá đã khai thác để làm căn cứ truy thu thuế; quy định hệ số quy đổi từ đá nguyên khai sang đá dăm các loại để làm căn cứ tính thuế; tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nổ mìn không đúng khung giờ quy định và khai thác quá sản lượng cho phép. 

Tăng cường công tác quản lý khai thác chế biến khoáng sản vùng Tây Đáy
Khai thác đá ở Công ty cổ phần Lộc Hà (Thanh Liêm).

Ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Tường ở thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) cho biết: Việc Nhà nước tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản sẽ nâng cao được nguồn thu ngân sách và hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Căn cứ vào thời hạn được giao núi, sản lượng khai thác hằng năm, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để khai thác mỏ. Công ty TNHH Xuân Tường đầu tư gần 100 tỷ đồng mua sắm thiết bị khai thác chế biến đá. Có máy móc hiện đại doanh nghiệp đã mở đường lên núi, đưa thiết bị lên khai thác theo hình thức cắt lớp xiên và cắt tầng bảo đảm an toàn cho người lao động. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thuận tiện, cần xem xét đưa cảng dùng chung vào hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. 

Cũng như Công ty TNHH Xuân Tường, khi được giao núi dài hạn nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, từng bước hạn chế được ô nhiễm môi trường và tai nạn lao động. Tuy nhiên, hiện nay ở khu vực Tây Đáy huyện Thanh Liêm, Kim Bảng vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi của các nhà máy xi măng; bụi đá của các doanh nghiệp chế biến vật liệu xây dựng; bụi từ xe tải chạy làm rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường; bụi phát tán từ dây chuyền nghiền đá của các doanh nghiệp. Ô nhiễm môi trường nhiều nhất vẫn tập trung ở các xã: Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) và các xã Thanh Sơn, Liên Sơn, Tân Sơn (Kim Bảng). 

Ông Đào Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Nguồn phát thải chủ yếu từ các phương tiện vận tải quá tải; từ cảng rót đá xuống tàu, thuyền; từ các doanh nghiệp nghiền đá. Cụ thể, đoạn đường tỉnh 495C qua địa bàn xã Thanh Tân xe vận tải chở đá tạo thành thùng vũng, mùa mưa thì lầy lội; mùa khô thì bụi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong vùng. Trước tình trạng này, chúng tôi đã đề nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết. Còn về phần xã, hằng năm vẫn tập trung tuyên truyền cho các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất để hạn chế phát tán bụi ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.  

Ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Quan điểm của huyện Thanh Liêm là tập trung phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Trước hết, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn có mỏ theo dõi các doanh nghiệp nổ mìn khai thác khoáng sản, nếu như doanh nghiệp nào vi phạm sẽ báo ngay cho các cơ quan chức năng; cơ quan thuế, tài chính phối hợp truy thu thuế tài nguyên khoáng sản; lực lượng công an tập trung xử lý xe quá tải thuộc các tuyến đường được phân cấp.

Trong thời gian tới,  huyện Thanh Liêm sẽ tập trung huy động xã hội hóa nâng cấp đường 495C; tổ chức tháo dỡ cầu cảng tự phát; phối hợp với các ngành chức năng xử lý những doanh nghiệp không chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Về lâu dài, khi đường 495C được nâng cấp xong sẽ cho lắp đặt hệ thống camera giám sát các phương tiện để quản lý tốt hơn. 

Để nâng cao nguồn thu từ khoáng sản, thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý khai thác đá, hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục liên quan đến việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thu nộp ngân sách khác. Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý chặt chẽ việc nổ mìn, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp vi phạm thời gian nổ mìn, sử dụng thuốc nổ không đúng trọng lượng được cấp; thường xuyên rà soát những nội dung cam kết về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc; tổ chức kiểm tra, thanh tra môi trường, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) kiên quyết xử lý các phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải, không che phủ bạt, gây ô nhiễm môi trường. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, không chỉ từng bước nâng cao được nguồn thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản mà còn hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường vùng Tây Đáy.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.