Nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường

Sau 7 năm triển khai, mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ Đồng Văn (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi làm thay đổi nhận thức của tiểu thương cũng như thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Hiện, mô hình đang được các địa phương trong tỉnh triển khai nhân rộng nhằm phát triển mạng lưới chợ dân sinh đáp ứng tiêu chí về ATTP, vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Được triển khai từ năm 2017, đến nay, mô hình thí điểm bảo đảm ATTP tại chợ Đồng Văn vẫn được duy trì thực hiện hiệu quả. Ban Quản lý chợ thường xuyên duy tu, sửa chữa, bảo đảm chất lượng hoạt động của hệ thống phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải, thực hiện tốt việc thu gom chất thải rắn, lắp đặt biển hiệu đối với từng gian hàng riêng biệt, như: thực phẩm tươi sống; đồ thủy, hải sản; khu vực giết mổ gia cầm; rau, củ, quả; hoa quả; khu vực bán đồ ăn chín… Tất cả các gian hàng được bố trí, sắp xếp theo đúng tiêu chuẩn chợ ATTP, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Qua đó, giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc tham quan, lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Ông Bùi Xuân Phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết, chợ Đồng Văn là một trong những chợ có quy mô lớn trên địa bàn thị xã, thu hút đông đảo người dân và công nhân lao động tại các KCN Đồng Văn I, II đến mua sắm. Việc triển khai mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP đã góp phần hạn chế phát sinh lây lan dịch bệnh qua nguồn thực phẩm, nước thải; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của Ban Quản lý chợ và các tiểu thương trong việc thực hiện các quy định về ATTP, vệ sinh môi trường.

Năm 2018, thực hiện Quyết định số 2353/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp với Phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) tiếp tục triển khai xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP tại chợ Bầu và được các tiểu thương, người dân trong khu vực đánh giá cao về hiệu quả của mô hình.

Những năm qua, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường trong khu vực chợ Bầu đã được cải thiện đáng kể, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng khi đến mua sắm. Thông qua mô hình, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ đã lựa chọn và liên kết với các cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP để cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn cho người dân.

Nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường
Khách hàng mua sắm tại một gian hàng rau, củ, quả trong chợ Bầu (TP Phủ Lý). Ảnh: Hân Hân

Theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phải đáp ứng yêu cầu: Có mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP, hoặc chợ đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. Thực hiện tiêu chí này, các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực chỉ đạo các xã triển khai xây dựng thí điểm mô hình chợ bảo đảm ATTP và bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như tại xã Bối Cầu (Bình Lục), mô hình chợ an toàn về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường đã được triển khai thực hiện tại chợ đầu mối gia súc gia cầm. Được triển khai từ tháng 5/2022, đến nay, mô hình đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.

Khi đi vào hoạt động, mô hình chợ an toàn về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường bảo đảm một số tiêu chí: 100% các hộ kinh doanh, tư thương hoạt động có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an ninh trật tự, bảo đảm phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, Ban Quản lý chợ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an xã Bối Cầu lắp đặt hệ thống camera giám sát tại toàn bộ khu vực trong và ngoài chợ để theo dõi, quản lý, giám sát mọi hoạt động diễn ra tại chợ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra thực tế, yêu cầu các hộ kinh doanh, tư thương ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định khi ra vào chợ nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hoạt động của tội phạm hình sự ở địa bàn chợ và khu vực lân cận, bảo đảm  an toàn về trật tự xã hội; bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, nâng cao ý thức chấp hành luật Giao thông đường bộ của tiểu thương và người dân; nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử có văn hoá, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Làm rõ hơn về hiệu quả của mô hình, ông Chu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Bối Cầu cho biết: Mô hình chợ an toàn về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường tại chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam đã góp phần làm hạn chế đáng kể tình trạng vứt rác, xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Trong khu vực chợ không còn tình trạng các đối tượng lợi dụng nơi đông người, người dân mất cảnh giác để trộm cắp tài sản; không xảy ra tình trạng các hộ kinh doanh tranh giành khách, mâu thuẫn va chạm.

Từ thực tế triển khai cho thấy, các chợ thực hiện mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đều quan tâm nâng cấp, sửa chữa, các hạng mục đạt tiêu chuẩn. Ngoài tiêu chí về cơ sở vật chất, các chợ còn thực hiện nghiêm các tiêu chí khác, như: thực phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc rõ ràng; không bán thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng; các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan chức năng; các sản phẩm rau, củ, quả phải có giấy xác nhận xuất xứ, nguồn gốc; hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy…

Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Trong quá trình triển khai mô hình, Sở Công thương phối hợp với các địa phương tổ chức cho đơn vị quản lý chợ, các hộ kinh doanh trong chợ đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại một số chợ trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến tới các tiểu thương, ban quản lý chợ những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại, bảo đảm ATTP. Sở cũng tích cực phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định bảo đảm ATTP tại các quầy hàng, nhất là đối với các sản phẩm có nguy cơ cao gây mất vệ sinh ATTP…

Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% số xã sẽ xây dựng mô hình chợ bảo đảm về ATTP, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Để đạt mục tiêu đề ra, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất tại các chợ.  

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy