Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, góp phần xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện “xanh hóa” trường học, khuyến khích học sinh tích cực tham gia.
Trước hết, để học sinh có những hiểu biết và ý thức, trách nhiệm về trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, các nhà trường đã linh hoạt thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục. Theo đó, tùy đặc điểm học sinh và nội dung chương trình các hoạt động giáo dục của từng cấp học, các nhà trường vừa triển khai có hiệu quả các bài học, bài giảng về bảo vệ môi trường, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; vừa lồng ghép các kiến thức được học với các hoạt động ngoại khóa, như: thăm vườn trường, giới thiệu các loại cây xanh trong trường học (dành cho trẻ mầm non); phân công chăm sóc, bảo vệ cây xanh cho từng lớp học; vận động học sinh đóng góp cây cảnh làm đẹp cảnh quan trường học; tổ chức Tết trồng cây đầu xuân (dành cho học sinh phổ thông)… Giờ đây, đến bất kỳ một trường học nào, cũng đều dễ dàng bắt gặp những không gian cây xanh ngay từ trong lớp học đến khuôn viên sân trường.
Đơn cử như với học sinh tiểu học, hiện nay trong các nội dung giáo dục về chăm sóc, bảo vệ cây xanh đã có nhiều kiến thức giúp học sinh hiểu và thấy được lợi ích của cây xanh cải tạo môi trường thiên nhiên, cung cấp bóng mát, đem lại bầu không khí trong lành và niềm vui cho con người; tạo cơ hội cho học sinh được tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong vườn trường. Từ đó, hình thành ý thức và thái độ tích cực để học sinh biết bảo vệ, chăm sóc cây trồng ở vườn trường, ở nhà, nơi công cộng và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động chăm sóc và bảo vệ cây xanh do nhà trường, liên đội và lớp phát động.
Cô giáo Bùi Thị Minh, Trường Tiểu học Châu Sơn (TP Phủ Lý) cho biết: Không chỉ giáo dục qua các bài học, việc giáo dục cho học sinh ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh còn được linh hoạt thực hiện bằng nhiều hình thức mang tính trực quan, như: sưu tầm tranh, ảnh một số cây trồng, cây cảnh, cây hoa; vẽ cây, hoa yêu thích; hát các bài hát và kể các câu chuyện về cây xanh; xây dựng các bài tập yêu cầu trình bày kỹ năng quan sát và miêu tả theo các nội dung, như: kể tên loại cây trồng mà em biết ở vườn trường, các loài cây đó được em chăm sóc và bảo vệ như thế nào, em đã tham gia chăm sóc, bảo vệ cây như thế nào, nêu ích lợi của việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh?... Trong từng hoạt động giáo dục, học sinh đã bày tỏ nhiều ý kiến của mình khi tự đánh giá việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh của bản thân và những người xung quanh. Đồng thời, giúp học sinh có thể tự rút ra được bài học về mối quan hệ giữa thiên nhiên với đời sống của con người, tầm quan trọng của cây xanh đối với môi trường sống và ghi nhớ được các việc làm chăm sóc và bảo vệ cây xanh.
Hay như với trẻ mầm non, ngoài thời gian học tập tại các nhóm, lớp, các trường mầm non đều thực hiện nền nếp kế hoạch giáo dục ngoài trời phù hợp với từng độ tuổi. Trong các nội dung giáo dục ngoài trời, các nhà trường ưu tiên dành nhiều thời gian cho trẻ tham quan, trải nghiệm, khám phá không gian vườn trường. Tại đây, trẻ được tìm hiểu về các loại cây trồng, được cô giáo hướng dẫn một số cách đơn giản về chăm sóc cây, thậm chí được tham gia thu hoạch rau, củ…
Cô giáo Trần Thị Thương Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Lý (Lý Nhân) khẳng định: Hoạt động tham quan, tìm hiểu và làm quen với một số cách chăm sóc cây xanh là một trong những hoạt động giáo dục tích cực giúp trẻ được hòa mình với thiên nhiên, có thêm những hiểu biết nhất định về cây xanh và đặc biệt bồi đắp cho trẻ những giá trị giáo dục đầu tiên về tình yêu thiên nhiên nói chung, tình yêu với cây xanh nói riêng. Qua hoạt động này nhận thấy, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của giáo viên, đa số trẻ đều hào hứng, vui vẻ chăm sóc cho cây và bảo vệ cây xanh một cách khéo léo.
Hằng năm, ngành giáo dục đã tổ chức triển khai, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh; xây dựng kế hoạch triển khai phong trào trồng cây xanh trong các trường gắn với phong trào thi đua của ngành, địa phương, đơn vị về xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn. Căn cứ điều kiện thực tế, các trường học chủ động phát động trồng cây; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; thường xuyên tổ chức trồng các loại cây xanh tại trường, gia đình, cộng đồng.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng thường xuyên rà soát, trồng mới, trồng thay thế cây xanh trong khuôn viên nhà trường bảo đảm vệ sinh và an toàn. Ở một số trường còn duy trì thực hiện công trình cây xanh, vườn cây, vườn ươm tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm thực tế gắn với việc tham gia bảo vệ môi trường sống; phát động thực hiện công trình măng non với việc trồng cây xanh; phát huy các ý tưởng sáng tạo của học sinh trong việc trồng cây…
Đặc biệt, vào mỗi dịp đầu xuân, cùng với các cấp, ngành, các địa phương, ngành giáo dục và các trường học đã đi đầu trong việc hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với sự tham gia của đông đảo học sinh. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày xuân, từng lớp đã được hướng dẫn để trồng những cây xanh, cây hoa tươi thắm trong khuôn viên nhà trường. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục học sinh về ý thức tích cực tham gia trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ môi trường; là trải nghiệm đầy bổ ích cho học sinh các trường học, cấp học về bảo đảm vệ sinh và an toàn cây xanh trong trường học.
Việc phát triển cây xanh trong trường học được các nhà trường hưởng ứng tích cực; công tác xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động giáo dục tại mỗi đơn vị. Trong đó, học sinh là một trong những nguồn lực quan trọng tham gia tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh, đấu tranh với những thái độ và hành vi làm hại đến cây xanh.
Thanh Hà