Sáng ngày 25/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Ủy ban Quốc gia ứng phó thiên tai và TKCN tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp về PCTT&TKCN năm 2022. Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT.
Tham dự hội nghị tỉnh Hà Nam có 7 điểm cầu tại UBND tỉnh và 6 huyện, thành phố, thị xã. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự, cùng đại diện các sở, ban, ngành chức năng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình hình thiên tai tại nước ta có diễn biến phức tạp. Nhất là đầu năm 2022 hiện tượng thiên tai dị thường đã xuất hiện như: Đợt rét đậm, rét hại từ ngày 19 – 24/2 tại các tỉnh miền Bắc được đánh giá mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ; đợt mưa lũ lớn bất thường trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3 – 2/4 tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200 – 600mm, có nơi mưa đặc biệt lớn lên đến 835 mm.. Tuy nhiên, công tác PCTT & TKCN đã đạt được kết quả nổi bật, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về người và tài sản thấp nhất từ trước đến nay.
Năm 2022, theo dự báo có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12 – 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 4 – 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan…Để ứng phó với thiên tai Ban chỉ đạo Quốc gia PCTT đề ra những nhiệm vụ cụ thể. Tập trung theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huồng; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu và chuyên dùng phục vụ hỗ trợ PCTT; nâng cao năng lực tham mưu của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo theo hướng chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, kiến thức, kỹ năng PCTT; tăng cường kiểm tra, đánh giá thực thi nhiệm vụ của các địa phương. Đối với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ ứng trực; đầu tư hiện đại hóa phương tiện trang thiết bị cứu hộ cứu nạn; kiện toàn hệ thống tổ chức; chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo. Về phía các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp ở địa phương triển khai các giải pháp PCTT & TKCN theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả đã đạt được trong công tác PCTT & TKCN năm 2021. Năm 2022 nhiệm vụ PCTT & TKCN càng phải được được quan tâm, chú trọng, cần tập trung một số nhiệm vụ sau: Đổi mới, nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai; Kiểm tra, rà soát phương tiện, phương án, kế hoạch PCTT & TKCN năm 2022; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành; khi tình huống thiên tai xảy ra đảm bảo phản ứng nhanh chóng, chính xác, kịp thời toàn hệ thống, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương rất quan trọng, đóng vai trò quyết định; kiện toàn Ban chỉ đạo, chỉ huy PCTT & PCTT, nhất là tại cấp xã, cấp huyện đảm bảo đủ năng lực tham mưu, điều hành trong điều kiện thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp; củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở, bên cạnh đó xây dựng lực lượng chuyên nghiệp ứng phó với thiên tai; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong PCTT&TKCN; quan tâm đầu tư cho PCTT, vì đây là đầu tư cho phát triển bền vững, cần quan tâm đầu tư từ ngân sách, đa dạng hóa nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực…các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra nhằm mục tiêu cao nhất là giảm thiểu thiệt hại thấp hơn năm 2021.
Mạnh Hùng