Chủ động ứng phó với lượng mưa tăng đột biến

Năm 2022, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo có lượng mưa cao hơn 30% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Thực tế, ngay từ những tháng đầu mùa năm nay đã có lượng mưa đột biến với những trận mưa cường độ lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, lượng mưa lên đến hơn 100 mm. Tổng lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến hết tháng 7 đạt 1.415 mm, vượt so với TBNN cùng thời kỳ 52%. Những tháng có lượng mưa vượt cao so với TBNN như: tháng 1 vượt 202%, tháng 2 vượt 265%, tháng 5 vượt 136%... 

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, cơ quan chức năng, doanh nghiệp thủy nông, chính quyền địa phương, HTXDVNN đã chủ động đề ra những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Tìm hiểu trên địa bàn huyện Thanh Liêm, nơi có địa hình bán sơn địa phức tạp, cốt đất trũng không đồng đều đã xuất hiện lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất. Tại các điểm đo mưa của Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm đều cho thấy lượng mưa của những tháng đầu mùa ở mức rất cao. Đơn cử, tại điểm đo mưa khu vực Võ Giang trong tháng 5 đo được 426 mm, tháng 6 ở mức 176 mm, tháng 7 đạt 300 mm; tại điểm đo Liêm Cần, tháng 5 đạt hơn 300 mm, tháng 6 đạt 115 mm, tháng 7 đạt 258 mm… 

Chủ động ứng phó với lượng mưa tăng đột biến
Công nhân trạm bơm Bùi 2, Xí nghiệp Thủy nông Duy Tiên thường xuyên túc trực vớt rác tại đầu bể hút trong mỗi đợt tiêu úng.

Được biết, để ứng phó với bất thuận của thời tiết, nhất là mưa lớn có thể gây ngập úng, Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm đã triển khai đồng bộ các biện pháp ngay từ đầu mùa mưa. Theo đó, đơn vị đã kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý. Từ đó, có biện pháp xử lý, khắc phục những hạn chế, điểm xung yếu…, nhất là ưu tiên sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị điện, máy bơm bảo đảm sẵn sàng hoạt động ở mức cao nhất. Đồng thời, coi việc giải tỏa vật cản, bèo, rác trên hệ thống kênh mương, nhất là các tuyến kênh tiêu chính là nhiệm vụ thường xuyên trong mùa mưa, không để việc tiêu thoát nước bị ảnh hưởng và các trạm bơm tiêu đầu mối phải cắt giảm số máy hay ngừng hoạt động do nước không về kịp khi trong đồng vẫn úng ngập. Xí nghiệp phối hợp với các HTXDVNN tiêu nước từ các tuyến kênh nội đồng ra kênh chính. Đặc biệt, chú ý tiêu úng cục bộ tại những vùng quá trũng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm cho biết: Việc tiêu úng được đơn vị vận hành theo quy trình trên toàn hệ thống. Trước các đợt dự báo có mưa lớn, các trạm bơm trên địa bàn phải vận hành sớm rút nước đệm… Do vậy, việc tiêu, thoát nước tại mỗi đợt mưa cơ bản được bảo đảm.
Các đơn vị thủy nông trong tỉnh đều chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khả năng mưa đột biến. Tại thị xã Duy Tiên, cùng với tiêu úng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiệm vụ quan trọng nữa đó là tiêu úng cho các khu công nghiệp trên địa bàn. Xí nghiệp Thủy nông Duy Tiên luôn bảo đảm các trạm bơm tiêu đầu mối trong tình trạng hoạt động tốt. Cùng với đó, phối hợp với đơn vị quản lý khu công nghiệp khơi thông dòng chảy, để các tuyến kênh trong nội khu tiêu thoát tốt, cũng như vận hành trạm bơm trong khu tiêu úng cục bộ… Theo ông Kiều Viết Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Duy Tiên, mục tiêu đặt ra của xí nghiệp là phải tiêu nước nhanh nhất khi có mưa lớn xảy ra, không để tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Để ứng phó với diễn biến mưa úng,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã triển khai một số biện pháp. Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp thủy nông, HTXDVNN theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nhất là cảnh báo mưa trên địa bàn để có sự chủ động điều hành tưới, tiêu hợp lý tránh tình trạng vừa tưới lại phải vận hành bơm tiêu. Các công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động vận hành trạm bơm tiêu để mực nước tại bể hút các trạm bơm và tại các điểm đo trên hệ thống giữ ở mức thấp hơn quy trình vận hành từ 10 – 15 cm bảo đảm an toàn cho cây lúa khi còn ngắn cây. Đồng thời, rà soát, giải tỏa bèo, rác, vật cản trên trục kênh tiêu chính dẫn về công trình đầu mối bảo đảm dòng chảy được thông thoáng, nâng cao hiệu quả tiêu nước của các trạm bơm… 
Các HTXDVNN phối hợp với đơn vị thủy nông kiểm tra, xác định và khoanh vùng những vị trí thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa lớn, vùng ngập sâu để có biện pháp ứng phó, khắc phục. Các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân không đổ rác thải sinh hoạt, sản xuất ra lòng kênh gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến tưới, tiêu phục vụ sản xuất. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Khương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp không theo quy luật, nhất là các đợt mưa đang có chiều hướng thường xuyên, lượng mưa lớn và cường độ mạnh hơn. Thực tế, việc chủ động triển khai các biện pháp giúp ứng phó hiệu quả, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại do mưa úng gây ra.

Từ đầu mùa mưa năm nay, công tác tiêu úng cơ bản được bảo đảm. Dễ nhận thấy nhất là các công ty khai thác công trình thủy lợi phục vụ trên địa bàn đều tiêu rút nước đệm trên hệ thống kênh mương trước các đợt mưa và vận hành hiệu quả hệ thống kênh mương, trạm bơm tiêu úng. Thời gian tiêu thoát nước sau mỗi đợt mưa nhanh hơn so với trước đây, góp phần bảo vệ và thúc đẩy sản xuất phát triển.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.