Theo dự báo thời tiết, năm 2022 có nhiều biến động tiềm ẩn tính bất thường của các yếu tố khí hậu cực đoan, nhất là các tháng giao mùa.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm, như: Bão mạnh khả năng xuất hiện; dông lốc, sét, mưa lớn cục bộ, cường độ mạnh gây ngập úng và gió giật mạnh là yếu tố rất khó lường. Theo ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Nam, cần chủ động theo dõi thường xuyên diễn biến của thời tiết. Từ đó, có biện pháp ứng phó với những hiện tượng bất thuận của thời tiết.
Thực tế, diễn biến thời tiết bất thuận thể hiện rõ ngay từ đầu năm, nghiêng về pha lạnh do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO duy trì trong trạng thái La Nina.
Cụ thể, khu vực miền Bắc, trong đó có Hà Nam chịu ảnh hưởng của 8 đợt không khí lạnh và gió mùa đông bắc. Trong đó, 2 đợt không khí lạnh rất mạnh gây rét đậm, rét hại bao trùm khắp miền Bắc.
Với tỉnh ta, đợt rét đậm, rét hại thứ 2 kéo dài từ ngày 19 – 25/2, có 2 ngày rét hại nhiệt độ xuống thấp nhất 7,9 độ C. Đây là đợt rét nhất tính từ năm 2016, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Đơn cử, trong sản xuất, đợt rét hại muộn này đã làm nhiều diện tích lúa xuân bị chết phải gieo cấy lại. Đồng thời, làm chậm sinh trưởng, phát triển của cây lúa khoảng 7 – 10 ngày so với các vụ xuân trước.
Ngoài ra, đầu tháng 4 xảy ra đợt rét muộn đã ảnh hưởng không nhỏ đến cây lúa giai đoạn phân hóa đòng. Ngay trong những ngày giữa tháng 5 này (ngày 14 – 15) dự báo sẽ có đợt không khí lạnh mạnh di chuyển xuống làm nền nhiệt độ miền Bắc giảm xuống dưới 20 độ C. Đây là đợt lạnh bất thường nhất được ghi nhận xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các đối tượng cây trồng, vật nuôi.
Đối với bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông năm nay hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và có từ 11 – 13 cơn bão, xấp xỉ TBNN. Khả năng có 4 – 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, xấp xỉ TBNN. Trong đó, có từ 2 – 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 12 ở mức cao hơn so với TBNN, được dự báo từ 1.700 – 1.900 mm (TBNN 1.650 mm). Phân bố mưa, các tháng đầu mùa mưa (tháng 5,6) và giữa mùa (tháng 8 đến tháng 10) cao hơn TBNN. Có từ 7 – 9 đợt mưa vừa, mưa to. Nền nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 12 phổ biến xấp xỉ và cao hơn TBNN, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối 39 – 41 độ C. Cả mùa có 5 – 7 đợt nắng nóng (mỗi đợt từ 3 ngày trở lên), 3 – 4 đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài trên 5 ngày…
Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam đã chủ động triển khai công tác dự báo thời tiết trên địa bàn dựa trên những dự báo tổng thể và thu thập dữ liệu, thông tin. Đài thường xuyên ra các bản tin dự báo cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Trong đó, có các bản tin hằng ngày, 3 ngày/lần, 10 ngày và 1 tháng/lần… về tình hình thời tiết, khí tượng và thủy văn của tỉnh. Cũng theo ông Hoàng Đức Hùng, do tác động từ biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường về cường độ, mức độ, phạm vi xảy ra thường xuyên hơn. Đây là những hiện tượng rất khó dự báo chính xác từ sớm, cần sự theo dõi sát sao các bản tin ngắn hạn để kịp thời ứng phó.
Nhìn lại những năm vừa qua, thiên tai, bão, lũ xảy ra nhiều bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh. Thường xuất hiện những trận mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn, kể cả trái vụ gây ngập úng cục bộ cho nhiều diện tích sản xuất, khu dân cư. Hay liên tiếp trong các năm 2017, 2018 lũ trên sông Đáy đều vượt trên báo động 3, gây sạt lở, tràn nhiều đoạn đê chính và đê bối. Nhiều khu vực dân cư ngoài đê đã bị ngập sâu trong nước gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động của người dân…
Với tình hình mưa, bão, lũ diễn ra không theo quy luật hiện nay, việc thực hiện tốt công tác dự báo giúp các cấp, ngành chức năng có sự chủ động chuẩn bị, ứng phó. Qua đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.
Mạnh Hùng