kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Áp dụng công nghệ số trong tính giá nước sạch

Áp dụng công nghệ số trong tính giá nước sạch

Ngày 22/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 59/QĐ - UBND về Quy định giá nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023 - 2024 (Quyết định 59). Theo đó, giá nước sinh hoạt ở nông thôn và đô thị được tính theo giá bậc thang với 4 mức khác nhau. Để bảo đảm chính xác trong quá trình tính giá nước cho khách hàng, một số doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trên địa bàn đã áp dụng công nghệ số khi tính giá nước.

Theo Quyết định 59 của UBND tỉnh giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2024, đối với khách hàng sử dụng nước sinh hoạt được tính theo giá bậc thang trong tháng.

Cụ thể, ở khu vực nông thôn: từ 0 – 10 m3 có giá 7.200 đồng/m3; từ trên 10  - 20 m3 có giá  8.900 đồng/m3; từ trên 20  - 30 m3 có giá 13.200 đồng/m3; từ trên 30 m3 có giá 14.200 đồng/m3. Đối với khách hàng sử dụng nước sinh hoạt ở đô thị: từ 0 – 10 m3 có giá 7.300 đồng/ 1m3; từ trên 10 - 20 m3 có giá 9.000 đồng/ m3; từ trên 20 - 30 m3 có giá 13.300 đồng/m3; từ trên 30 m3 có giá 14.200 đồng/m3.

Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trường học, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh (công lập và tư nhân) phục vụ mục đích công cộng (phi lợi nhuận) có giá 11.500 đồng/m3; tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất giá 13.700 đồng/m3; tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ giá 21.000 đồng/m3…

Áp dụng công nghệ số trong tính giá nước sạch
Công nhân vận hành hệ thống nước sạch (Nhà máy nước sạch Khu A huyện Kim Bảng). Ảnh: Hữu Thoan

Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường. Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam, các đơn vị kinh doanh sản xuất nước sạch có trách nhiệm thực hiện mức giá bán nước sạch sinh hoạt theo đúng quy định hiện hành. Quyết định 59 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 04/8/2010 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh giá bán nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Qua thực tế tìm hiểu chúng tôi được biết khi giá nước tăng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch ở khu vực nông thôn tăng từ 20-25%/tháng, còn các doanh nghiệp ở khu vực thành phố, thị xã doanh số cao hơn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng thắc mắc, việc tính giá nước theo giá bậc thang, nếu chốt chỉ số đồng hồ trong tháng lệch ngày hoặc công nhân chốt chỉ số đồng hồ không cẩn thận sẽ bị dồn sản lượng sử dụng gây thiệt cho khách hàng.

Chị Trần Thị Hường, ở Phường Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý) phân tích: Với giá nước tính theo giá bậc thang, tháng nào doanh nghiệp cũng xem chỉ số công tơ đủ 30 ngày thì các hộ dân không bị thiệt. Nếu công nhân chốt chỉ số đồng hồ chậm vài ngày hoặc không xem tự tính mức sử dụng trung bình, sau đó sản lượng bị dồn lại cho một tháng, người dân sẽ phải sử dụng nước với giá cao. Chúng tôi kiến nghị, các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch phải sát sao trong việc quản lý công nhân, có phương pháp tính giá nước sao cho chính xác nhất để không ảnh hưởng đến khách hàng...

Cũng như chị Hường, hiện nay nhiều hộ dân còn băn khoăn khi nhận hóa đơn tiền nước. Có một số hộ khi sản lượng nước sạch sử dụng tăng đột biến đã phản ánh đến các cơ quan chức năng. Để bảo đảm việc tính giá nước đúng theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh đang từng bước áp dụng công nghệ số tính giá nước cho bà con.

Áp dụng công nghệ số trong tính giá nước sạch
Công nhân Nhà máy nước Kiện Khê vận hành cấp nước sạch cho khách hàng.

Ông Phạm Trọng Khôi, Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cho biết: Để tránh tình trạng công nhân không ghi chỉ số đồng hồ nước, tự “bốc thuốc’’ tính theo tháng, dẫn tới không đúng quy định, công ty đã cho cài đặt phần mềm tính giá nước. Mỗi địa bàn công ty đều giao cho công nhân phụ trách ghi chỉ số đồng hồ nước, bảo đảm chốt chỉ số đủ 30 ngày cho khách hàng. Khi đến xem đồng hồ nước, công nhân phải chụp chỉ số đồng hồ sử dụng, đính kèm với phần mềm tính giá nước. Căn cứ vào đó, hình ảnh sẽ được lưu giữ để làm bằng chứng khi khách hàng khiếu nại và căn cứ vào chỉ số sử dụng phần mềm sẽ phân loại ra từng mức giá khác nhau và tính ra tổng giá trị tiền nước. Với cách làm này, bắt buộc công nhân phải đi xem đồng hồ nước hằng tháng. Đối với khách hàng sử dụng nước có dấu hiệu tăng đột biến, trong khi tháng đó vẫn sinh hoạt bình thường, công ty sẽ xem xét, thất thoát như vỡ đường ống sau đồng hồ, sẽ có cán bộ kỹ thuật thẩm định và doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tính lại giá nước cho bà con, bảo đảm bằng bình quân hằng tháng sử dụng.

Cũng như Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam, trong thời gian này các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh đã và đang lắp đặt phần mềm tính giá nước sinh hoạt cho bà con. Để bảo đảm công bằng chính xác, các công ty cũng khuyến cáo khách hàng hằng tháng thường xuyên đối chiếu hóa đơn sử dụng nước với chỉ số sử dụng trên đồng hồ nước, đề phòng có sự nhầm lẫn gây thiệt hại cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Đối với những hộ sử dụng nước sinh hoạt tăng bất thường, cần kiểm tra lại hệ thống đường ống nước của gia đình, đồng hồ sử dụng nước và báo ngay cho các doanh nghiệp kinh doanh nước để có hướng giải quyết.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy