Triển vọng tích cực trong bức tranh kinh tế Hà Nam

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 vừa được Cục Thống kê công bố, trong 5 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Hoạt động dịch vụ trong 5 tháng diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Thu cân đối ngân sách nhà nước tăng 1,3% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023; thu từ hoạt động xuất khẩu tăng... Những con số trên cho thấy, bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm của Hà Nam thể hiện rõ xu hướng phục hồi tích cực.

Lao động tại Công ty TNHH DAC Việt Nam, Trung Lương, Bình Lục.
Ảnh: Lê Dũng

Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng - Thu hút đầu tư tạo đà đi lên

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngay từ những tháng đầu năm, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong lĩnh vực thu hút đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài; phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp (KCN)... tình hình sản xuất công nghiêp trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu khởi sắc.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nam, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng 3,25% so với tháng 4 và tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP tăng 14,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 14/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, tập trung vào một số ngành chủ lực như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 25,92%); sản xuất thiết bị điện tăng 32,78%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,93%... Theo đó, nhiều sản phẩm công nghiệp trong 5 tháng đầu năm cũng tăng so cùng kỳ, như: dây điện các loại, linh kiện thiết bị điện tử, bia các loại, quần áo may sẵn, thịt lợn, gà tươi ướp lạnh...

Tính từ đầu năm đến ngày 25/5, toàn tỉnh thu hút được 23 dự án đầu tư (trong đó có 8 dự án FDI và 15 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 55,8 triệu USD và 1.945,4 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 13 dự án (7 dự án FDI và 3 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư tăng 6,7 triệu USD và 763,3 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.200 dự án đầu tư còn hiệu lực (395 dự án FDI với vốn đăng ký 6.010,5 triệu USD và 805 dự án trong nước với vốn đăng ký 171.830 tỷ đồng). 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 345 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023) với số vốn đăng ký đạt 5.850 tỷ đồng (tăng 85% so với cùng kỳ năm 2023). Theo đó, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2024 trên địa bàn ước tính tăng 12,17% so với cùng năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 15,36% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI tăng cao nhất với mức tăng 15,77%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,15%...

Theo ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu nhưng công nghiệp Hà Nam những tháng đầu năm 2024 đã có những tín hiệu khả quan. Điều đó tiếp tục khẳng định sự chỉ đạo, định hướng của tỉnh trong phát triển công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy là đúng, trúng và phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế trong nước và quốc tế thời kỳ hội nhập.

Cùng với công nghiệp, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Cây trồng vụ xuân cơ bản đã cho thu hoạch; sản xuất lâm nghiệp diễn ra trong thời tiết tương đối thuận lợi; nuôi trồng thủy sản có những diễn biến tích cực nhờ giá cả, thị trường ổn định; tình hình chăn nuôi ít biến động bất lợi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt.

Thương mại dịch vụ sôi động trở lại

Trong tháng 5, hoạt động thương mại, dịch vụ  tiếp tục ổn định, thị trường hàng hoá diễn biến tích cực, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là các nguồn hàng lương thực, thực phẩm tương đối dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hoạt động không gian phố đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm; hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề. Hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hoá phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2024 ước đạt 4.416,4 tỷ đồng tăng 14,1% so với cùng kỳ. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 17.756,3 tỷ đồng, tăng 8,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.229,1 tỷ đồng, tăng 5,8%; doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành ước đạt 685,7 tỷ đồng, tăng 178,3%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.125,6 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Nam, trong tháng 5/2024, giá thịt lợn hơi tăng mạnh, giá xăng dầu giảm, thị trường vàng tiếp tục có những biến động lớn... nguyên nhân chính tác động làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,81% so với tháng 12/2023. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản phát sinh theo quy định. Theo báo cáo của Sở Tài chính, thu cân đối ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 5.608 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,9% dự toán địa phương. Trong đó, thu nội địa đạt 4.958 tỷ đồng, tăng 1,3% và bằng 34,5%; thu hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 650 tỷ đồng, tăng 0,3% so cùng kỳ và đạt 38,6% dự toán địa phương. Cùng với thu ngân sách thì công tác chi ngân sách địa phương trong 5 tháng đầu năm 2024 cũng bảo đảm cân đối các nhiệm vụ chi theo dự toán, đặc biệt là các nội dung chi hoạt động bộ máy nhà nước, chi an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng địa phương và chi đầu tư phát triển. Chỉ tính riêng trong tháng 5, một số dự án mới đã được khởi công, gồm: Dự án nâng cấp cải tạo mặt đường Lê Duẩn, thành phố Phủ Lý với tổng mức đầu tư 17,4 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và hoàn thiện tuyến đường 42m, thành phố Phủ Lý với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng.

Những chỉ số kinh tế tháng 5 và 5 tháng năm 2024 cho thấy bức tranh kinh tế của tỉnh đang có nhiều tín hiệu phục hồi và có xu hướng tăng tiến. Một số trụ đỡ, lĩnh vực quan trọng như: đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng tiến; thương mại dịch vụ sôi động trở lại... chính là những dấu hiệu đáng mừng thể hiện xu thế chủ động đầu tư; qua đó, tạo thêm nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy