Tận dụng tối đa các lợi thế về giao thông, vị trí địa lý như: tiếp giáp với thị trấn Bình Mỹ, nằm trên trục quốc lộ 21A, đường tỉnh (ĐT) 496B, có cụm công nghiệp và nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, thời gian qua, xã Trung Lương (Bình Lục) đã đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Vào giờ tan tầm, tại cửa hàng Nhung Hiền, thôn Duy Dương, khách hàng đến mua sắm khá đông, nhất là công nhân lao động trong Cụm công nghiệp Bình Lục. Các mặt hàng gồm sữa, bỉm, đồ sơ sinh, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm… được cửa hàng bài trí khá bắt mắt, theo từng quầy kệ khác nhau để người mua dễ dàng tìm kiếm. Theo chia sẻ của chị Bồ Thị Nhung, chủ cửa hàng, cách đây 6 năm, với lợi thế nằm trên trục quốc lộ 21A, đối diện cổng Cụm công nghiệp Bình Lục, có nhiều công nhân qua lại hằng ngày, chị đã được thôn, các tổ chức hội, đoàn thể xã động viên, hỗ trợ, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn từ các tổ chức tín dụng để mở cửa hàng kinh doanh sữa, bỉm, đồ sơ sinh. Hoạt động kinh doanh thuận lợi, làm ăn ngày càng có lãi, chị Nhung mở rộng dần quy mô cửa hàng, nhập bán đa dạng các mặt hàng khác như mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, thực phẩm chức năng… quy mô hiện nay tăng gấp hơn 3 lần so với thời điểm đầu mới hoạt động.
Cũng như hộ gia đình chị Nhung, được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, nhiều hộ dân của thôn Duy Dương tận dụng hiệu quả lợi thế nằm trên trục quốc lộ 21A và ĐT496B để kinh doanh, buôn bán các loại hình thương mại – dịch vụ, từ cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, hàng thời trang, cho đến các mặt hàng điện tử, điện lạnh, viễn thông, xe máy, kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ… Ông Trần Đức Tuệ, Trưởng thôn Duy Dương cho biết: Toàn thôn hiện có 354 hộ dân, trong đó có khoảng 40% số hộ đang kinh doanh dịch vụ, thương mại. Đa phần các hộ này nằm trên trục QL21A, ĐT496B. Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư và có ki - ốt tại khu vực chợ trung tâm xã. Ngoài kinh doanh tạp hóa, cửa hàng ăn uống, đồ gia dụng, những năm gần đây, các hộ dân trong thôn còn phát triển mạnh dịch vụ cho thuê nhà trọ. Hiện toàn thôn có khoảng chục hộ kinh doanh các dịch vụ này. Mỗi hộ có từ 10-15 phòng trọ cho thuê, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khoảng 70-100 lao động làm việc tại Cụm công nghiệp Bình Lục tạm trú trên địa bàn thôn. Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, đời sống của người dân trong thôn cũng được cải thiện, nâng cao. Nhờ đó, việc huy động nguồn nội lực để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao rất thuận lợi.
Tương tự, tại các thôn khác của xã Trung Lương là Cửa Câu Trại, Đồng Quan, hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng diễn ra sôi động. Trên các trục đường, cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ mọc lên san sát, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và công nhân lao động Cụm công nghiệp Bình Lục. Theo thống kê, toàn xã hiện có khoảng 400 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại. Trong đó, có khoảng 20 hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ; trên 20 hộ kinh doanh dịch vụ vận tải; 30 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống; trên 50 hộ kinh doanh tạp hóa, vật liệu xây dựng… Qua đó, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho khoảng 800 lao động địa phương.
Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ của xã đạt trung bình 16%/năm. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn có sự phát triển mạnh do Cụm công nghiệp Bình Lục thu hút lượng lớn lao động trong xã và các xã lân cận đến sinh sống, làm việc, kéo theo nhu cầu về tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng cao, dự kiến đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mọi năm. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt 173,2 tỷ đồng, bằng 61,8% kế hoạch năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 58 triệu đồng, bằng 76,8% kế hoạch năm.
Nói về sự phát triển thương mại, dịch vụ của địa phương, ông Trần Hồng Thăng, Chủ tịch UBND xã Trung Lương cho biết: Thương mại, dịch vụ đang là ngành kinh tế mũi nhọn, hiện chiếm tỷ trọng trên 38,5% trong cơ cấu kinh tế của xã. Với mục tiêu tăng dần tỷ trọng lĩnh vực thương mại, dịch vụ qua từng năm, thời gian qua, xã đã vận động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông; tiến hành khảo sát, tạo thuận lợi về mặt thủ tục cho các hộ dân thuê mặt bằng để mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… chú trọng phát triển quỹ hội để cho hội viên có nhu cầu vay vốn quỹ phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, thời gian qua, xã Trung Lương còn phát huy tốt vai trò cầu nối của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc hỗ trợ hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng chính sách xã hội để có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ ngân hàng chính sách xã hội hiện đạt trên 32,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hàng trăm hộ dân vốn làm nông nghiệp trước đây đã mạnh dạn chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ, mang lại nguồn thu nhập khá.
Mặc dù không có làng nghề, ngành nghề truyền thống nhưng những năm qua, xã Trung Lương đã phát huy tối đa các lợi thế để thúc đẩy phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Để đạt mục tiêu, từ nay đến năm 2030, tăng trưởng lĩnh vực thương mại, dịch vụ đạt từ 16%/năm, thời gian tới, xã Trung Lương sẽ tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng quy mô chợ truyền thống, hệ thống đường giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đi lại cho các hộ kinh doanh. Cùng với đó, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ vay vốn, khuyến khích các hộ dân có lợi thế nằm trên trục đường lớn và gần cụm công nghiệp mở rộng quy mô cửa hàng, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh như cho thuê nhà trọ, vận tải, ăn uống, điện tử.
Nguyễn Oanh