Thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm có nhãn hiệu

Thương mại hóa sản phẩm là quá trình, một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất. Lựa chọn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế, tỉnh Hà Nam đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm.

 

Thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành các chương trình khuyến công, hoạt động thương mại giai đoạn 2016-2020, bao gồm: chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại và chương trình phát triển thương mại điện tử. Trong đó, các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tích cực thông qua các hội chợ, góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối cung cầu.

Hội chợ Công thương Đồng bằng sông Hồng - Hà Nam 2018 với quy mô 300 gian hàng tiêu chuẩn, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn được hỗ trợ tham gia các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm. Năm 2018, tỉnh ta có 4 doanh nghiệp tham gia 3 hội nghị kết nối cung cầu trên cả nước (Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hội nghị kết nối cung cầu nhãn lồng Hưng Yên; hội nghị kết nối cung cầu tại tỉnh Ninh Bình).

Cũng trong năm 2018, chương trình hỗ trợ 03 điểm bán hàng Việt (Công ty TNHH Tân Nhật Minh (Siêu thị Micom), Siêu thị Lan Chi Đồng Văn và Siêu thị Lan Chi Lý Nhân tiếp tục được triển khai để đưa các sản phẩm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý trưng bày và giới thiệu tại các điểm bán hàng Việt…

Theo đánh giá của một số cơ sở sản xuất, hội chợ là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường, khách hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, cần có giải pháp để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm hiệu quả. Trong đó, tạo lập cơ chế ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các sản phẩm mới, các sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường.

Thực tế cho thấy, đối với những sản phẩm chất lượng, có nhãn hiệu việc quảng bá sản phẩm thuận lợi hơn nhiều. Chính vì vậy, thời gian qua, các địa phương đã phối hợp với ngành chức năng hoàn thiện các dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể. Từ năm 2006 đến nay, 11 dự án về bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh được hoàn thành. Trong đó, có 10 nhãn hiệu tập thể đã được cấp văn bằng bảo hộ, 01 nhãn hiệu tập thể đang triển khai (dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể rượu Bèo dùng cho sản phẩm rượu của thôn Thượng, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Hà Nam đã triển khai thực hiện dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm nổi tiếng ở tỉnh, như: trống; hương thắp; gỗ, tre, song, mây, sừng; đồ gốm; lụa; đồ thêu; cá kho; bánh đa nem, bánh cuốn chả… Đến nay, có 20 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm, trong đó có ổi, bưởi, dưa lưới chất lượng cao, long nhãn, ngô sấy, khoai lang sấy, chuối sấy, sen sấy, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm hương, nấm linh chi, rượu, miến, bánh đa sợi...

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất lại chưa khai thác được thế mạnh về giá trị thương hiệu cũng như nhãn hiệu sản phẩm. Thế nên, quá trình thương mại hóa sản phẩm chưa đạt hiệu quả cao. Trống Đọi Tam (Đọi Sơn, Duy Tiên) được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Hiện nay ở Đọi Tam có nhiều cơ sở sản xuất trống và các sản phẩm có sử dụng công nghệ, kỹ thuật từ trống, thế nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Chí Khang, người làm trống cho biết: Trống là sản phẩm thủ công, kinh nghiệm và kỹ thuật của mỗi người có điểm khác nhau nên chất lượng sản phẩm cũng khác nhau. Hiệp Hội sản xuất kinh doanh trống Đọi Tam chỉ có thể vận động các hội viên chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để sử dụng và khai thác tốt nhãn hiệu được cấp…

Cũng như trống Đọi Tam, lụa Nha Xá, gốm Quyết Thành, thêu ren Thanh Hà… đều gặp phải những khó khăn tương tự. Sự chậm trễ trong đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm, tiếp cận thị trường khiến cho các làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Trong khi, các hiệp hội chưa có kế hoạch lâu dài để sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể. Lụa Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên) vốn nổi tiếng từ lâu. Trước khi chưa có nhãn hiệu tập thể, người làng nghề phải hợp tác với các cơ sở sản xuất lụa Hà Đông mới có thể giúp cho sản phẩm lụa Nha Xá có mối tiêu thụ ổn định, có chỗ đứng trên thị trường. Giờ lụa Nha Xá đã có nhãn hiệu riêng, song tình trạng mạnh ai nấy làm phần nào khiến cho nhãn hiệu lụa Nha Xá chưa được khai thác tốt, xứng tầm với chất lượng và yếu tố truyền thống lâu đời.

Quá trình quản lý và phát triển sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế và bất cập là một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình thương mại hóa sản phẩm chưa hiệu quả như mong muốn. Vai trò của tổ chức, tập thể trong việc kiểm soát, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ trong nhiều trường hợp còn mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, việc sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương hiện nay chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát. Những vùng sản xuất tập trung lại chưa quan tâm đến sản xuất đúng theo quy trình nhằm bảo đảm và duy trì sự đồng đều chất lượng sản phẩm.

Để thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm, rõ ràng cần một chiến lược lâu dài từ sản xuất đến tạo dựng  cơ chế chính sách phù hợp. Ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần trang bị thêm kiến thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiểu rõ các rào cản đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà đơn vị hướng tới; nên thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa đơn vị sản xuất với nhau, quan tâm hơn nữa tới nguồn nhân lực để nâng cao khả năng xử lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về cơ chế, chính sách, cần hướng trọng tâm vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng cường vai trò của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin để kết nối cung – cầu, thương mại hóa sản phẩm; khuyến khích hình thành các cụm liên kết...                          

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy