Thị trường bán lẻ- Thách thức từ xu hướng tiêu dùng mới

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã hình thành nên trào lưu tiêu dùng mới - mua bán online (bán hàng qua mạng internet). Số lượng khách hàng mua bán thông qua giao dịch điện tử tăng mạnh chính là thách thức lớn với các nhà bán lẻ, kể cả các siêu thị và trung tâm thương mại.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Xu hướng tiêu dùng mới hiện nay đã xuất hiện rất rõ ràng, gắn với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin. Số lượng khách hàng, nhất là giới trẻ mua bán thông qua giao dịch điện tử tăng mạnh trong thời gian gần đây là thách thức lớn với các nhà bán lẻ, kể cả các trung tâm thương mại, siêu thị.

Xu thế này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải thay đổi để thích ứng. Hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại là yếu tố quan trọng nhất thu hút người tiêu dùng đến với các nhà bán lẻ.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại siêu thị Lan Chi (Lý Nhân).

Trên thực tế, để đứng vững trên thị trường, nhiều nhà bán lẻ, nhất là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT... đã thực hiện tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về thói quen, hành vi người tiêu dùng, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển, thời gian qua, Sở Công thương đã tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp xây dựng website thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hướng tới mua bán thông qua giao dịch điện tử một cách chuyên nghiệp hơn.

Bà Trần Kim Ngân, thành viên Ban Quản lý siêu thị Micom, Công ty TNHH Tân Nhật Minh cho biết: Khi khách hàng chuyển sang mua sắm online, siêu thị dần trở nên vắng vẻ hơn. Hai năm trở lại đây, lượng khách hàng tới tham quan, mua sắm tại siêu thị giảm 30-40% so với những năm trước.

Để thu hút khách hàng, thời gian tới, Micom sẽ phải thay đổi. Trước tiên, đó là việc đầu tư xây dựng, cải tạo khu vui chơi, giải trí cho trẻ em và sắp xếp lại các gian hàng. Sau đó, hướng tới mở rộng quy mô, kinh doanh đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Cùng với đó, đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, các chương trình khuyến mãi qua kênh online...

Còn tại chợ Bầu (TP. Phủ Lý), các tiểu thương cũng cho hay, hàng hóa thời gian gần đây tiêu thụ rất chậm, nhất là các mặt hàng thời trang, giày dép, hóa mỹ phẩm…

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn chục siêu thị, trung tâm thương mại và 110 chợ. Dù nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đang gặp khó khăn nhưng trong những năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh năm 2018 vẫn đạt mức tăng trưởng khá, riêng 11 tháng năm 2018, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2017.

Qua đó cho thấy, mức chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hoá nhanh cùng với nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập tăng. Đặc biệt, việc “bùng nổ” số lượng người tiêu dùng sử dụng mạng internet đã khiến cho phân khúc bán lẻ trở nên hấp dẫn hơn.

Rõ ràng, sự phát triển của công nghệ với sự lên ngôi của smartphone, mạng xã hội facebook... đang đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ nhưng cũng kèm theo không ít thách thức đòi hỏi doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong thời buổi công nghệ số, nếu các nhà bán lẻ chỉ bán hàng online hay offline (bán hàng tại cửa hàng, siêu thị...) thì rất khó tồn tại. Bởi, nếu bán hàng offline thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng rất hạn chế, còn nếu chỉ bán online thì nhà bán lẻ lại gặp rào cản về vấn đề lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Tâm lý thiếu tin tưởng với hàng bán trên mạng khiến người tiêu dùng e ngại mua sắm. Vì vậy, muốn tồn tại, phát triển, các nhà bán lẻ cần thay đổi phương thức bán hàng theo hình thức đa kênh, đầu tư công nghệ, sử dụng các mạng truyền thông để thu hút khách đến cửa hàng của mình như thiết lập các trang web để thu hút được lượng truy cập.

Cùng với đó, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ như làm tốt chương trình khuyến mại, hậu khuyến mại, hỗ trợ đổi, trả sản phẩm...

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy