Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội là thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, người dân tổ chức tiệc tùng, tụ tập trong và ngoài gia đình nhiều, lượng thực phẩm tiêu dùng lớn. Vì thế vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cần được đặc biệt quan tâm. Dịp này cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng luôn phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP, vừa để bảo vệ công việc kinh doanh của mình được bền vững, vừa bảo vệ tốt sức khỏe của cộng đồng.
Từ đầu tháng 1/2024, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP thành phố Phủ Lý đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 trên địa bàn. Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ cấp thành phố đến phường, xã được thành lập, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Bà Đậu Hoa Lưu, Trưởng phòng Y tế thành phố cho biết: Các đoàn tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, rượu, bia, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Ngày 16/1, đoàn của BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh đã làm việc với BCĐ liên ngành về ATTP thành phố Phủ Lý và kiểm tra hoạt động BCĐ của một số xã, phường, sau đó tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Ngày 17/1, đoàn của BCĐ liên ngành về ATTP thành phố Phủ Lý cũng kiểm tra một số cơ sở thực phẩm.
Được biết hiện tại thành phố Phủ Lý có 1.264 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lương thực, thực phẩm; trong đó, kinh doanh thực phẩm 305 cơ sở; sản xuất thực phẩm (bao gồm vừa sản xuất vừa kinh doanh) 159 cơ sở; dịch vụ ăn uống 825 cơ sở (thành phố quản lý 326 cơ sở; phường, xã quản lý 499 cơ sở trong đó có 67 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố).
Cũng như ở thành phố Phủ Lý, tất cả các huyện, thị trong tỉnh đều triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024, thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm là một trong 3 thời điểm vấn đề ATTP được đặc biệt quan tâm trong năm (cùng với dịp hè và Tết Trung thu). Năm nào cũng vậy, trước thời điểm này BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh đều xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh yêu cầu tăng cường trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATTP. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP; kiến thức về lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Tổ chức các hoạt động bảo đảm ATTP, phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương trên toàn tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành các cấp được thành lập, tổ chức thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm chất lượng, ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhất là các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, đặc biệt chú trọng cơ sở sản xuất rượu, chế biến giò chả, mứt... phục vụ Tết, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội. BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Khuyến khích hội viên, đoàn viên và người tiêu dùng tham gia giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tẩy chay những cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm không an toàn; tố cáo các vi phạm quy định của pháp luật về ATTP.
Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong năm 2023 các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP tuyến tỉnh đã kiểm tra 194 cơ sở thực phẩm, trong đó có 174 cơ sở đạt chất lượng, phạt tiền 57 triệu đồng đối với 8 cơ sở, 12 cơ sở chuyển hồ sơ để Thanh tra Sở Y tế xử lý theo thẩm quyền. Các lỗi vi phạm: sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm và vận chuyển động vật chết không bảo đảm vệ sinh thú y. Trong kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, đã kiểm nghiệm 90 mẫu thực phẩm, sản phẩm như: nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, gạo,… Kết quả có 12 mẫu không đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu vi sinh vật gồm: nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. Giám sát ATTP phục vụ lễ hội, sự kiện phát hiện 01 mẫu chả thịt lợn dương tính với hàn the, 25 mẫu dụng cụ, bát đĩa còn bám dính tinh bột, dầu mỡ. Đối với mẫu chả thịt lợn trên đã đề nghị xử phạt 45 triệu đồng. Đơn vị cũng giám sát vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn Công ty cổ phần Elmich (Cụm công nghiệp An Mỹ-Đồn Xá (thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) với tổng số 280 người ăn trong đó 43 người bị ngộ độc (22 người phải đi viện). Nguyên nhân ngộ độc là do độc tố Staphylococcal enterotoxin trong rau muống luộc. Chi cục đã tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP với số tiền 177 triệu đồng. Cũng qua giám sát ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và cộng đồng ghi nhận có 23 ca ngộ độc lẻ tẻ.
Dù các cấp, ngành chức năng đã rất tích cực trong công tác bảo đảm ATTP, tuy nhiên vấn đề ATTP vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Để cải thiện ATTP, vấn đề mấu chốt là chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải nắm rõ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, vừa để việc làm ăn của cơ sở được bền vững, cũng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cùng với đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, kỹ năng trong tiêu dùng thực phẩm, tham gia giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tẩy chay những cơ sở thực phẩm, sản phẩm không an toàn; tố cáo các vi phạm quy định của pháp luật về ATTP.
Đỗ Hồng