Ngành bán lẻ đối mặt với nhiều khó khăn

Cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thực tế nhiều thị trường lớn trên thế giới suy giảm và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu để cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết.

Nếu như trong quý I/2023, thị trường bán lẻ diễn ra sôi động với tổng doanh thu tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp trước, trong Tết Nguyên đán 2023 tăng cao thì đến quý II, hoạt động của các ngành thương mại, dịch vụ đã “nguội” bớt. Bước sang quý III và đầu quý IV, tăng trưởng của ngành chững lại và có sự sụt giảm đáng kể trong tháng 8, 9, 10. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh trong quý III/2023 ước đạt trên 11.000 tỷ đồng, giảm 1,8% so với quý II và giảm 0,5% so với cùng quý năm trước.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cũng phản ánh rõ, trong nhiều tháng qua, doanh thu ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh liên tục giảm so với cùng tháng của năm trước. Chẳng hạn như trong hai tháng 9 và 10/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tỉnh lần lượt giảm 1,4% và 1,5% so với cùng tháng năm 2022; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa lần lượt giảm 0,5% và 0,8%.

Ngành bán lẻ đối mặt với nhiều khó khăn
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng thời trang Savani, thành phố Phủ Lý.

Qua tìm hiểu thực tế tình hình mua sắm của người tiêu dùng hiện nay cho thấy, hầu hết các cá nhân, gia đình đều đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu hàng ngày. Người tiêu dùng có xu hướng giảm chi phí mua sắm các mặt hàng không thiết yếu như hàng thời trang, mỹ phẩm, điện tử, điện lạnh, đồ nội thất…

Chị Nguyễn Thị Định, tổ dân phố số 1, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý cho biết: Cá nhân tôi cũng đang kinh doanh mặt hàng thời trang trẻ em, đến nay đã được khoảng chục năm nhưng rất hiếm khi hàng hóa bán chậm như hiện nay. Đang là thời điểm giao mùa, cửa hàng đã nhập bán các loại quần áo, giày dép, tất mùa đông nhưng mỗi ngày chỉ có lác đác vài ba khách hàng đến hỏi mua. Để tăng sức cạnh tranh, tôi đã giảm giá bán, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận đối với hầu hết các mặt hàng để thu hút người tiêu dùng. Do hàng hóa tiêu thụ chậm nên từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình tôi cũng cắt giảm chi phí cho các hoạt động, dịch vụ tiêu dùng không thật sự cần thiết trong gia đình như đi du lịch, ăn uống ngoài nhà hàng, mua sắm thay thế các thiết bị điện tử, đồ nội thất trang trí cho căn nhà. Thậm chí, nhiều tháng nay tôi không còn duy trì một số thói quen tiêu dùng trước đây như gọi điện đặt vận chuyển tận nhà đồ uống, đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt cho các con; giảm việc mua sách tham khảo, truyện tranh, đồ dùng, thiết bị học tập không thuộc danh mục bắt buộc…

Ngành bán lẻ đối mặt với nhiều khó khăn
Nhiều cửa hàng kinh doanh xe đạp trên địa bàn thành phố Phủ Lý thông tin, doanh thu bán hàng 10 tháng năm 2023 giảm 20-30% so với cùng kỳ.

Mặc dù liên tục áp dụng các hình thức khuyến mại, giảm giá cộng với chính sách hậu mãi hấp dẫn nhưng qua khảo sát các cửa hàng kinh doanh đồ công nghệ, đồ điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng, các siêu thị tổng hợp trên địa bàn tỉnh cũng thấy rõ thực trạng hàng hóa ế ẩm, thưa vắng khách tham quan và mua hàng. Theo thông tin từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, ngoài nguyên nhân người dân thắt chặt chi tiêu thì việc phải tốn các khoản chi phí lớn cho hoạt động khuyến mại, giảm giá cùng với áp lực từ chi phí lãi vay cao và hàng tồn kho lớn cũng khiến hoạt động kinh doanh kém sắc trong những tháng qua. Hầu hết các siêu thị điện máy, cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay… phải cắt giảm tối đa nhân sự để giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận. Nhận thấy rõ, sức chi tiêu yếu vẫn là một khó khăn lớn trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đều cho biết, để cải thiện doanh thu trong những tháng cao điểm mua sắm mùa cuối năm và dịp Tết dương lịch, tết Nguyên đán 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình ưu đãi thành viên… để cải thiện sức mua.

Chị Thanh Huyền, nhân viên cửa hàng thời trang, đồ gia dụng TokyoLife (đường Biên Hòa, thành phố Phủ Lý) cho hay: Vào những thời điểm đông khách, cửa hàng thường xuyên duy trì 4-5 nhân viên phục vụ trong một ca làm. Thời gian gần đây, mỗi ca làm thường chỉ có 2-3 nhân viên bao gồm cả nhân viên thu ngân và bán hàng. Phần lớn khách hàng chỉ tập trung đến mua sắm đồ vào những đợt cửa hàng có chương trình khuyến mại, giảm giá sâu từ 50%. Hiện, cửa hàng cũng đang áp dụng chương trình giảm giá 50% hay mua 1 tặng 1 đối với nhiều mặt hàng, nhất là giày thể thao, quần áo mùa đông nhưng khách hàng vẫn khá thưa thớt.

Ngành bán lẻ đối mặt với nhiều khó khăn
Khách hàng mua sắm hàng hoá tại siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vicom Plaza Phủ Lý.

Những tháng cuối năm thường được xem là “mùa vàng” tiêu thụ sản phẩm của các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng và doanh nghiệp bán lẻ, từ nay đến hết năm 2023, hoạt động bán lẻ hàng hoá vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do nền kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến khó lường, lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn ở mức cao. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong việc triển khai thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, cộng với việc thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh trong lĩnh vực bán lẻ, kỳ vọng rằng, năm 2024 và trong những năm tới, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc và đạt mức tăng trưởng tốt.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy