Cẩn trọng với sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc

Thời gian qua, tại thị trường thành phố Phủ Lý, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ kinh doanh, buôn bán sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sữa nhập lậu. Điều này dễ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chỉ tính riêng trong đợt kiểm tra cao điểm thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (bắt đầu từ trung tuần tháng 12/2019), Công an tỉnh đã phát hiện trên một tấn sữa vi phạm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ yếu là các loại sữa đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường như Ensure, Similac (Mỹ), Nan (Nga), Meiji (Nhật Bản), Dumex (Pháp)… Đối tượng vận chuyển, kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng sữa trẻ em trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lê Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu không chỉ xảy ra với nhóm hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ điện tử, thiết bị gia dụng mà còn diễn ra khá phổ biến với những sản phẩm có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm, rượu bia, nước giải khát và nhất là sữa bột. Sản phẩm sữa thường được chứa lẫn trong xe tải chở hàng tiêu dùng. Khi bị kiểm tra, đối tượng buôn lậu không ra mặt nên số lượng sữa nhập lậu này thành hàng vô chủ và bị tịch thu để tiến hành thẩm định chất lượng, giá trị hàng hóa, từ đó sẽ có hướng xử lý cụ thể.

Thực tế, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sữa và các sản phẩm được chế biến từ sữa đối với sức khỏe, nhất là với trẻ em. Đây được xem là loại thực phẩm lành mạnh nhất so với các loại thực phẩm khác. Trong đó, sản phẩm sữa ngoại ngày càng được nhiều người lựa chọn và chiếm thị phần lớn trên thị trường. Tuy nhiên, rất nhiều người tiêu dùng đang tỏ ra lo ngại trước thông tin sữa lậu, sữa kém chất lượng đang được bày bán phổ biến. 

Chị Nguyễn Thị Vân, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý) cho biết: Tôi có con nhỏ 2 tuổi và hiện đang mang bầu bé thứ hai. Cũng giống như các bà mẹ khác, tôi đã lên mạng tìm hiểu và chọn mua dùng một số loại sữa ngoại được đánh giá là tốt nhất dành cho trẻ em và mẹ mang thai. Tại một cửa hàng sữa trên đường Biên Hòa, khi tôi hỏi về xuất xứ, tem nhãn phụ của hộp sữa Morinaga cho trẻ từ 1-3 tuổi, nhân viên bán hàng giải thích rằng, vì là sữa “xách tay” nên không có nhãn phụ hay hóa đơn chứng từ. Khi tôi hỏi về cách sử dụng thì nhân viên cửa hàng cũng không thể hỗ trợ. Vậy căn cứ nào để tôi có thể phân biệt giữa sữa lậu và sữa “xách tay”? Không muốn vừa dùng vừa lo nên mới đây tôi đã chuyển sang dùng các dòng sữa sản xuất trong nước.

Qua trao đổi với ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, được biết, tình trạng sữa ngoại nhập lậu đang rất khó kiểm soát. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Các quy định về hình thức xử phạt trong kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, trong đó có mặt hàng sữa hiện vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là mức xử phạt được quy định áp dụng trong khung giá trị hàng hóa nhất định, khi cửa hàng kinh doanh với số lượng nhiều, giá trị hàng hóa lớn. Do đó, để lách luật, các đơn vị kinh doanh cất giữ sản phẩm rất kỹ trong kho, chỉ bày bán công khai vài hộp sữa lậu ở ngoài cửa hàng và đặt xen kẽ với các sản phẩm sữa trong nước. 

Để đánh lừa người tiêu dùng, các cửa hàng thường giải thích rằng đó là sữa “xách tay”. Khi thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng hầu như chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở hay tiêu hủy sản phẩm. Với những sản phẩm sữa được nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái, việc tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để phân tích, đánh giá chất lượng lô hàng cũng không thể thực hiện thường xuyên do không có kinh phí…

Sữa là sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt. Nếu sữa được vận chuyển từ nước ngoài về cần có quy trình bảo quản, đóng gói, cất giữ theo đúng quy chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm… để bảo đảm chất lượng. Do đó, sản phẩm sữa nhập lậu có thể bị biến chất do quá trình vận chuyển, bảo quản không đúng quy cách. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người tiêu dùng khi có nhu cầu dùng sữa ngoại cần tìm mua sữa từ các kênh phân phối chính thức, tại các siêu thị, cửa hàng có uy tín, có chứng nhận của nhà phân phối chính hãng, có dán tem, nhãn phụ trên bao bì để thuận tiện trong việc sử dụng, bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy