Tính đến hết tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có 9.753 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 191 nghìn tỷ đồng, trong đó có 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, mặc dù trong bối cảnh tình hình chung có nhiều khó khăn, thách thức, song cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, duy trì ổn định, từng bước phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động và đóng góp ngân sách cho nhà nước.
Minh chứng rõ nét nhất, đó là sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong 10 tháng năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,72% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 7,998 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 43.833 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Số thu ngân sách từ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2024 đạt hơn 5.260 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh thực hiện giải quyết việc làm mới cho 21.089 lao động…
Kết quả phát triển doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục khẳng định sự đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh; sự nỗ lực, linh hoạt, nhạy bén, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các doanh nhân, người lao động. Tuy nhiên, với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, dư địa phát triển doanh nghiệp của Hà Nam còn rất lớn.
Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, phát biểu tại hội nghị làm việc với các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh tiếp tục tận dụng tối đa thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), không ngừng đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển sản xuất, kinh doanh bảo đảm hài hòa ba mục tiêu của tam giác phát triển: kinh tế, xã hội và môi trường; thể hiện tốt trách nhiệm xã hội và có nhiều đóng góp hơn nữa cho công tác an sinh xã hội của tỉnh; xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường hợp tác, đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng, sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực công thương. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách địa phương hoặc tiếp tục đề xuất với Trung ương ban hành những cơ chế, chính sách tầm quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, từng bước tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa…
Công khai, minh bạch hệ thống chính sách, thông tin kinh tế - xã hội, thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai; tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp cung ứng trong các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Rà soát các điều kiện kinh doanh, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch, loại bỏ rào cản bất hợp lý nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực sử dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Từng bước hình thành và phát triển thị trường lao động của tỉnh, bảo đảm cung cấp lao động có tay nghề cho doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, định hướng tiêu thụ nội địa nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Hà Nam