Cấy máy là hướng đi tất yếu nhằm từng bước đồng bộ cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất lúa. Thực tế cho thấy, cấy máy đem lại nhiều lợi ích: Giảm chi phí vật tư nông nghiệp, giảm công lao động, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, hạn chế được sâu bệnh... Thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, diện tích cấy máy trên địa bàn tỉnh ta không ngừng được mở rộng. Năm 2024 diện tích cấy máy đạt trên 11.754 ha, chiếm gần 21% diện tích gieo cấy.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và với mục tiêu: Phát triển mô hình dịch vụ mạ khay, cấy máy hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, bền vững, góp phần nâng cao diện tích cấy máy trên địa bàn tỉnh, ngày 06/7/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1340/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023”, thực hiện đề án, diện tích cấy máy trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Năm 2021 diện tích cấy máy toàn tỉnh mới đạt 1.252ha, chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; đến năm 2022 đạt 4.654,5ha, chiếm 8,1% diện tích; năm 2023 đạt 9.644 ha, chiếm 16,8% diện tích và năm 2024 diện tích cấy máy đạt trên 11.754 ha, chiếm gần 21% diện tích gieo cấy (vụ xuân đạt 5.837,3ha, vụ mùa đạt 5.917,01 ha).
Vụ xuân năm 2022, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) La Sơn, xã La Sơn, huyện Bình Lục bắt đầu đưa máy cấy vào sản xuất trên diện tích khoảng 30ha. Đánh giá sau khi thu hoạch cho thấy năng suất lúa cấy máy cao hơn so với diện tích gieo sạ cùng giống. Đặc biệt, chất lượng lúa cũng hơn hẳn so với lúa gieo sạ cùng giống. Ngoài ra, cấy máy còn khắc phục được tình trạng lúa cỏ gây ảnh hưởng nặng tới năng suất lúa trên diện tích gieo sạ những vụ trước. Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn khẳng định: Thực tế sản xuất đã chứng minh được những lợi ích tích cực của mô hình cấy máy. Đó là: giảm công lao động, khắc phục được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp thời vụ tại địa phương; bảo đảm lịch thời vụ; giảm chi phí vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên...
Từ những lợi ích thiết thực mô hình cấy máy đem lại, năm 2023 - 2024, HTXDVNN La Sơn duy trì cấy máy trên diện tích từ 30-50ha/vụ. Năm 2025, HTX tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phấn đấu mở rộng diện tích cấy máy đạt từ 50-100ha/vụ nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.
Qua tìm hiểu được biết, HTXDVNN Nam Tân, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm cũng đưa máy cấy vào sản xuất từ vụ xuân năm 2022 trên diện tích khoảng 30ha (tổng diện tích gieo cấy của HTX là 115ha). Những vụ trước, khoảng trên 90% diện tích ở Nam Tân được gieo sạ. Ông Vũ Văn Trấn, Giám đốc HTXDVNN Nam Tân chia sẻ: Trước vụ xuân năm 2022, tình trạng lúa cỏ (người dân còn gọi là lúa ma) xuất hiện nhiều trên diện tích lúa gieo sạ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, thậm chí nhiều diện tích lúa bị mất trắng khiến nông dân lo lắng. Việc đưa máy cấy vào đồng ruộng đã khắc phục được tình trạng lúa cỏ, không những thế năng suất lúa cao hơn, chất lượng gạo ngon hơn. Ngoài ra, cấy máy còn hạn chế được tình trạng sâu bệnh, giảm chi phí trong việc điều tiết nước, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, bảo đảm tiến độ lịch gieo cấy... “Trăm nghe không bằng một thấy”, chứng kiến những lợi ích thiết thực cấy máy đem lại, nhiều nông dân đã chủ động áp dụng mô hình cấy máy vào đồng ruộng của gia đình mình. Từ diện tích 30ha vụ xuân năm 2022, đến vụ mùa 2024 diện tích cấy máy của HTX đạt 70/115ha.
Cũng như HTXDVNN La Sơn và Nam Tân, thời gian qua, các địa phương, HTXDVNN trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng lúa cấy máy nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả cây lúa. Điểm đáng ghi nhận là diện tích cấy máy đã tăng lên theo từng năm, tuy nhiên đến năm 2024 lúa cấy máy mới đạt gần 21% diện tích gieo cấy.
Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn chia sẻ: Khó khăn nhất trong việc mở rộng diện tích cấy máy hiện nay là giá công cấy cao (vào khoảng 230.000 đồng/sào, chưa kể thóc giống). Giá công cấy máy cao, lực lượng lao động tầm 45 - 50 tuổi trở lên không xin được việc làm ở các công ty, doanh nghiệp, vào vụ vẫn thực hiện gieo cấy thủ công để giảm chi phí sản xuất. Vì vậy dẫn đến tình trạng, trên cùng một cánh đồng nhà cấy máy, nhà cấy thủ công, HTX khó quy hoạch gọn vùng gọn thửa để mở rộng diện tích cấy máy... Trên thực tế, không chỉ có La Sơn, đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh. Ông Vũ Văn Trấn, Giám đốc HTXDVNN Nam Tân cho biết: Hiệu quả của cấy máy đã được khẳng định, tuy nhiên, khó khăn để mở rộng diện tích là do giá thành cấy máy cao, vào khoảng 300.000 đồng/sào (tính cả thóc giống). Ngoài ra, lực lượng lao động độ tuổi trung niên trở lên, còn sức lao động ở địa phương vẫn muốn thực hiện gieo cấy thủ công để lấy công làm lãi...
Trong quá trình sản xuất, việc đưa máy cấy vào đồng ruộng đã khẳng định được hiệu quả. Cấy máy giải phóng sức lao động, giúp giảm chi phí vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường đồng ruộng (do hạn chế được sâu bệnh, nhờ đó giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật), khắc phục được tình trạng lúa cỏ, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạn chế được tình trạng bỏ ruộng...
Tuy nhiên, để mở rộng diện tích cấy máy, trong thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng, lợi ích lâu dài, bền vững của việc đưa máy cấy vào đồng ruộng. Cùng với đó, quan tâm tới việc hướng dẫn, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân; hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng với phương châm "một cánh đồng - một giống" để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu gieo cấy... Đặc biệt, nông dân mong muốn các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, thực hiện các giải pháp nhằm giảm giá cấy máy giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, mạnh dạn ứng dụng, mở rộng diện tích cấy máy góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15 – NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Phạm Hiền