Hiện nay, hoạt động thanh toán, giao dịch của người dân bằng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ trên nền tảng số thực sự đem lại những tiện ích, bảo đảm chính xác, an toàn và nhanh chóng. Các hình thức được áp dụng phổ biến nhất là thanh toán qua thẻ ngân hàng, chuyển khoản qua tài khoản ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR Code... Người dân có thể mua bán hàng hóa, thanh toán các loại hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí và thanh toán thủ tục hành chính chỉ với một số thao tác trên điện thoại di động hoặc nhấp chuột máy tính.
Nhằm mục đích hình thành thói quen và góp phần xây dựng công dân số, đưa thanh toán số trở thành công cụ chủ yếu đến người dân, các hình thức thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh ta những năm qua đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thanh toán không dùng tiền mặt được UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện; từ đó, ngành chức năng đã tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển các giao dịch điện tử, mở tài khoản ngân hàng. Đến 30/9/2023, số đơn vị trả lương qua tài khoản trên địa bàn là 1.553 đơn vị; trong đó hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 869 đơn vị, số cá nhân được trả lương qua tài khoản là 161.306 (hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 34.295 cá nhân). Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hoạt động thanh toán của các tổ chức tín dụng diễn ra an toàn, thông suốt; hệ thống ATM, POS vận hành ổn định, chất lượng dịch vụ được đầu tư, nâng cao.
Hiện, trên địa bàn tỉnh ta có khá nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… đã triển khai thu tiền của khách hàng qua tài khoản hoặc các ứng dụng ví điện tử. Năm 2017, Công ty Điện lực Hà Nam đã ký kết với các nhà mạng và ngân hàng thương mại thực hiện thanh toán hóa đơn tiền điện và đến nay có khoảng hơn 360 nghìn khách hàng (đạt 97%) tham gia thanh toán tiền điện qua ngân hàng điện tử hoặc các ví điện tử như: Momo, VNPT money, Viettel money. Ông Ngô Quốc Huy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam cho biết: Lợi ích từ các dịch vụ thanh toán điện tử giúp khách hàng không tốn thời gian đi lại, chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi và hằng tháng đã hạn chế được tình trạng khách hàng quên, chậm đóng tiền điện. Không chỉ vậy, việc thanh toán bằng hình thức này còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo sự minh bạch và chống thất thu thuế cho Nhà nước.
Bắt kịp xu thế thanh toán tiêu dùng không dùng tiền mặt, các cơ sở kinh doanh, các siêu thị, cửa hàng tiện ích từ thành thị đến nông thôn, kể cả những người kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương buôn bán tại chợ cũng chú trọng đến việc áp dụng các hình thức thanh toán này. Nhiều cửa hàng, nhà hàng, siêu thị đã lắp đặt máy POS (chấp nhận thanh toán bằng thẻ) nhằm giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán. Chị Trần Thị Ngọc Hiên, ở xã An Lão (Bình Lục) cho biết: Nếu như trước đây, người dân luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được các dịch vụ. Điều này, mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả người mua lẫn người bán hàng và bảo đảm an toàn, thuận tiện, chính xác bằng cách quét mã QR Code hay chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money, VNPT Money…
Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 11/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1364/QĐ-UBND về triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến nay, hơn 50% trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và trong các bệnh viện, cơ sở y tế đạt trên 50%. Bên cạnh đó, các ngân hàng tích cực vận động khách hàng kể cả đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách mở tài khoản để thuận lợi trong giao dịch. Cũng trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai ứng dụng ngân hàng thông minh (VBSP Smartbanking) đến khách hàng. Nhờ vậy, nâng cao hiệu quả giao dịch, giảm thời gian, khoảng cách địa lý và chi phí với nhiều dịch vụ tiện ích.
Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam sẽ có từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác để giao dịch. Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% và tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng, giá trị giao dịch đạt 20%/năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%; có 80-90% cơ sở giáo dục ở khu vực đô thị và 90-100% các trường đại học, cao đẳng thanh toán học phí trực tuyến; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp ở đô thị được chi trả thông qua tài khoản.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thực tế đã khẳng định, các phương tiện thanh toán điện tử đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được đông đảo người dân ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, thời gian tới để đạt các mục tiêu đã đề ra, thiết nghĩ, các cấp, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân sử dụng các hình thức thanh toán này. Trên cơ sở đó, ngành chức năng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời giải đáp thắc mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Phùng Thống