Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu gọn sản xuất, giảm giờ làm của công nhân và đang có nguy cơ nợ xấu ngân hàng. Các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để duy trì và thúc đẩy sản xuất tăng trưởng.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam dư nợ cho vay doanh nghiệp đến hết tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh đạt 36.748 tỷ đồng, tăng 3,42% so với đầu năm; trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa là 15.864 tỷ đồng, tăng 5,24% so với đầu năm, với 1.338 doanh nghiệp còn dư nợ. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các NHTM đã triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ một phần lãi suất và cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, theo lý giải của nhiều doanh nghiệp việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn vì nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng trả hết khoản nợ cũ đã được cơ cấu lại và khoản nợ mới đã đến hạn. Hơn nữa, khi nguồn lực cạn kiệt, tài sản bảo đảm không có là một trong những lý do khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay để bổ sung vốn lưu động và đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cấp dây chuyền hoạt động. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng. Các doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp và nâng cao giá trị tài sản bảo đảm để thế chấp vay vốn tránh tình trạng nguồn vốn tín dụng dư thừa, trong khi đó nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn lại gặp khó khăn.
Ông Đào Tiến Sỹ, Giám đốc Chi nhánh NHTM cổ phần Á Châu (ACB) Hà Nam cho biết: Đến thời điểm này dư nợ của chi nhánh đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, trong đó 40% nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp. Thời gian qua, ngân hàng có rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, có những gói tín dụng lãi suất chỉ còn khoảng 5,5%, song nhu cầu sử dụng vốn của khách hàng cũng ở mức độ. Nhiều doanh nghiệp có uy tín, sản xuất kinh doanh tốt, ngân hàng đang rất cần giải ngân vốn song những nhóm khách hàng này lại không có nhu cầu. Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn song tài sản bảo đảm không đủ điều kiện quy định ngân hàng không dám giải ngân.
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện nay muốn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh các cơ quan chức năng và ngân hàng cần giải quyết những bất cập về cơ chế, chính sách, những rào cản liên quan đến trách nhiệm, đạo đức công vụ; tiếp tục làm rõ và có giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp tự tin, mạnh dạn bứt phá phát triển. Cụ thể, các ngành, các cấp cần tháo gỡ khó khăn về đầu tư công đó là chìa khoá để kích thích sản xuất, tiêu dùng, qua đó nhu cầu sử dụng vốn sẽ tăng thêm; vốn của NHTM mới phát huy tác dụng. Bên cạnh đó các NHTM cần tiếp tục triển khai và có những chính sách về gói tín dụng ưu đãi; hỗ trợ rút ngắn thời gian phê duyệt; nâng cao giá trị tài sản bảo đảm cho khách hàng; giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn liền với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Đặc biệt, các ngành cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ tháo gỡ thủ tục pháp lý cho thị trường bất động sản, để các dự án có đủ điều kiện được giao dịch ra thị trường.
Ông Phạm Văn Tùng, Quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong tỉnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, các NHTM cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Trần Thoan