Tăng trưởng tín dụng đạt mức khá

Trong năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh song tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức khá (ước tăng 10,72% so với đầu năm). Để có được kết quả trên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, duy trì ổn định lãi suất huy động theo quy định, kịp thời giải ngân nguồn vốn hỗ trợ khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Theo tổng hợp của Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam ước đến hết 31/12/2023, dư nợ tín dụng đạt khoảng 72.000 tỷ đồng, tăng 10,72% so với đầu năm. Trong tổng dư nợ trên, được phân theo các mức lãi suất: Từ 7% trở xuống có 11.230 tỷ đồng (chiếm 16,29% tổng dư nợ); từ trên 7%/năm - 10%/năm là 36.045 tỷ đồng (chiếm 52,28%); từ trên 10%/năm - 11%/năm có 8.899 tỷ đồng (chiếm 12,91%); từ trên 11%/năm - 13%/năm có 11.237 tỷ đồng (chiếm 16,3%); trên 13%/năm có 1.534 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,22%. Về chất lượng tín dụng, đến hết năm 2023 nợ xấu nội bảng còn 741 tỷ đồng, chiếm 1,07% tổng dư nợ; nợ theo dõi ngoại bảng 4.128 tỷ đồng.

Để có được kết quả trên, trong năm 2023 Chi nhánh NHNN Hà Nam đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng, kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn: cấp tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tín dụng đen; tích cực tham gia và triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh - tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ lãi suất, chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các TCTD tăng cường đầu tư nguồn vốn vào: lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay kinh tế tập thể; triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Đồng Văn (thị xã Duy Tiên).
Ảnh: Trần Thoan

Ông Phạm Văn Tùng, Quyền Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam cho biết: Để tháo gỡ khó khăn và khơi thông được nguồn vốn tín dụng, NHNN, Chi nhánh tỉnh Hà Nam còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ngân hàng; nắm bắt thông tin các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ để kịp thời giải ngân vốn; tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa Chi nhánh NHNN Hà Nam với các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nắm bắt những thông tin về nhu cầu sử dụng nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, NHNN, Chi nhánh Hà Nam cũng chỉ đạo các TCTD bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng; triển khai các gói tín dụng với lãi suất hợp lý, phù hợp với đặc thù của từng nhóm khách hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.

Trong năm 2024, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong  tỉnh: triển khai những chủ trương, chính sách có liên quan tới lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng trên địa bàn; triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của NHNN và hướng dẫn của TCTD cấp trên; đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuân thủ các quy định của pháp luật về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay; hạn chế nợ xấu mới phát sinh, đảm bảo quá trình thu hồi nợ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền cơ chế, chính sách, thông tin về các sản phẩm dịch vụ, các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc thù của đơn vị; công khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chương trình tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy