Sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng nợ đọng thuế kéo dài. Nếu như các ngành chức năng không có biện pháp kiên quyết, việc nợ đọng thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thường xuyên, gây khó khăn cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh có 77 doanh nghiệp nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 160 tỷ đồng, trong đó có 22 doanh nghiệp (số người nộp thuế) đã thực hiện cưỡng chế nhưng vẫn chưa thu hồi được hơn 144 tỷ 592 triệu đồng. Đáng chú ý các đơn vị như: Trường Đại học Hà Hoa Tiên nợ 50,8 tỉ đồng, Công ty cổ phần Hà Hoa Tiên nợ hơn 26 tỷ đồng, Công ty THHH Đại Dương nợ 18,5 tỉ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Tràng An nợ 14,7 tỉ đồng, Công ty TNHH nhựa Đông Á nợ hơn 5,5 tỉ đồng... thuộc nhóm danh sách người nộp thuế đã thực hiện biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn chưa thu hồi được tiền nợ thuế.
Ngoài ra, danh sách cũng công khai hơn 55 doanh nghiệp thuộc nhóm người nộp thuế đã ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký nhưng vẫn còn nợ hơn 20 tỷ 861 triệu đồng. Điển hình như Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 820 nợ hơn 12,6 tỉ đồng, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Bắc Việt nợ hơn 3,8 tỉ đồng, Công ty cổ phần Thép Hưng Thịnh nợ hơn 2,3 tỉ đồng...
Đối với các trường hợp nợ thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo người nộp thuế có tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các cục thuế phải áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế thực hiện công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài.
Theo đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ khó khăn do suy thoái kinh tế, ảnh hưởng chung tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh khó khăn về tài chính, phải cắt giảm doanh số, không thanh toán công nợ, ngân hàng không cấp tín dụng hỗ trợ vốn lưu động, song các doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm tiền lương, thưởng, việc làm cho người lao động nên dẫn đến chậm nghĩa vụ nộp thuế. Cục Thuế tỉnh Hà Nam cũng cho biết, đã ban hành nhiều quyết định hành chính về quản lý thuế bằng cách trích tiền từ tài khoản của các doanh nghiệp còn nợ thuế; phối hợp với các ngành chức năng tập trung thu hồi nợ đọng tiền thuế đối với các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Thanh Liêm – Bình Lục cho biết: Chi cục Thuế khu vực huyện Thanh Liêm – Bình Lục sẽ thực hiện bằng các biện pháp quyết liệt rà soát, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế, phân loại nợ theo đúng tính chất nợ để vừa có thể hỗ trợ người nộp thuế và áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp. Đồng thời, đơn vị cũng tích cực phối hợp với một số cơ quan như: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính Kế hoạch, Ngân hàng, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người nộp thuế, tập trung xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong việc thực hiện thu tiền nợ thuế; trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế theo đúng quy định, kiến nghị các ngành chức năng không cấp mìn khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp khai thác đá nợ ngân sách. Với cách làm này, nhiều trường hợp nợ thuế đã cân đối tài chính ưu tiên nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đã cơ bản chấp hành nghiêm việc nộp ngân sách nhà nước.
Trước tình hình nợ thuế gia tăng, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh sẽ tập trung triển khai một số giải pháp quản lý nợ như: Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị; thực hiện giám sát, đôn đốc các đơn vị thu nợ đúng quy trình, quy định. Tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục tổ chức rà soát, đối chiếu xác định chính xác số tiền thuế nợ của từng người nộp thuế để thực hiện đôn đốc, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, nhằm thu hồi nợ đọng và giảm nợ thuế. Đồng thời, ngành Thuế nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và người nộp thuế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những thông tin phản hồi từ các tổ chức, cá nhân. Qua đó, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện các chính sách, pháp luật thuế, góp phần duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trần Thoan