Theo đánh giá của NHCSXH Việt Nam, nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua NHCSXH ở Hà Nam hiện vẫn còn khiêm tốn; nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm chiếm 10% tổng dư nợ và Hà Nam có dư nợ thấp nhất toàn quốc.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội, những năm qua các cấp, ngành ở Hà Nam đã có nhiều giải pháp để quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ thị, phù hợp với đặc điểm tình hình, chức năng nhiệm vụ, nhờ đó đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để tăng nguồn vốn cho vay; đồng thời, xây dựng kế hoạch TDCS sát với nhu cầu thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, ngân hàng phối hợp với các hội đoàn thể tập trung huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân nhằm tăng nguồn vốn và giảm áp lực cấp bù ngân sách Trung ương. Với những biện pháp đó, nguồn vốn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách khác trên địa bàn.
Để đẩy mạnh các chương trình TDCS, ngày 7/9/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 06-CT/TU về việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, nhờ đó hoạt động tín dụng ưu đãi ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến. Trong năm 2021, tất cả các nguồn TDCS xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác được tập trung vào Chi nhánh NHCSXH tỉnh quản lý.
Ngày 8/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về việc thực hiện các chương trình TDCS, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tích cực tham mưu với HĐND, UBND cùng cấp cân đối nguồn ngân sách ủy thác cho NHCSXH. Nhờ đó, đến hết tháng 9/2022 tổng nguồn vốn TDCS đạt hơn 2.582 triệu đồng; cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn địa phương, giảm dần tỷ trọng nguồn vốn Trung ương. Hiện nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh tăng 10,67 lần so với năm 2015. Cơ cấu nguồn vốn cân đối từ Trung ương chiếm 78,7%; nguồn vốn huy động qua tổ chức, cá nhân chiếm gần 17%; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách chiếm gần 4,3%. Tổng nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH tỉnh hiện nay đạt 110 tỷ 820 triệu đồng, tăng 31,3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn do ngân sách tỉnh ủy thác chiếm hơn 93,6 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện, thị xã, thành phố.
Đơn vị có số dư nguồn vốn ủy thác cao điển hình là TP Phủ Lý và huyện Thanh Liêm. Tại Thanh Liêm, thời gian qua các hội đoàn thể nhận ủy thác với ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về công tác huy động vốn, đến nay nguồn vốn huy động tiết kiệm đạt khoảng 74 tỷ đồng, tăng hơn 5,5 tỷ đồng so với đầu năm. Theo ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, trong 2 năm (2020 – 2021) bình quân mỗi năm huyện bố trí 700 triệu đồng, năm 2022 là 800 triệu đồng ủy thác cho phòng giao dịch NHCSXH để cho vay. Nguồn vốn được chuyển ngay từ đầu năm đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vay vốn từ đó góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ưu đãi. Dự kiến năm 2023 huyện sẽ bố trí một tỷ đồng ủy thác cho vay theo chỉ tiêu kế hoạch được Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh giao.
Với các biện pháp huy động nguồn vốn kết hợp ủy thác vốn từ ngân sách đã đáp ứng nhu cầu vay và mở rộng đối tượng cho vay phục vụ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đến thời điểm này, tỉnh ta thực hiện 12 chương trình TDCS, tổng dư nợ hơn 2.577 triệu đồng với 46.446 khách hàng được vay vốn ưu đãi. Hoạt động của các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực vào công tác xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Theo đánh giá của NHCSXH Việt Nam, nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua NHCSXH ở Hà Nam hiện vẫn còn khiêm tốn; nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm chiếm 10% tổng dư nợ và Hà Nam có dư nợ thấp nhất toàn quốc. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương hiện chiếm gần 4,3% tổng nguồn vốn, trong khi đó toàn quốc bình quân trên 10% (nguồn vốn ủy thác của tỉnh ta là 110 tỷ 820 triệu đồng, bình quân toàn quốc là trên 420 tỷ đồng).
Bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Nhu cầu vay vốn từ các chương trình: cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là rất lớn, song nguồn vốn cho vay còn hạn chế. Mặc dù những năm gần đây, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương được quan tâm, nhưng từ năm 2022 tỉnh ta tự cân đối ngân sách và điều tiết một phần về Trung ương, vì thế nguồn vốn này sẽ gặp khó khăn. Do vậy, vừa qua UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với chi nhánh tham mưu xây dựng Đề án hỗ trợ TDCS mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở và Đề án hỗ trợ vốn TDCS cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, đối tượng thiếu việc làm, trên cơ sở đó bố trí nguồn lực tín dụng hợp lý cho vay. Hiện nay chi nhánh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn đồng thời đề nghị NHCSXH Việt Nam quan tâm bố trí nguồn vốn tăng trưởng hằng năm để đáp ứng yêu cầu cho vay của các đối tượng.
Để các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận kịp thời nguồn vốn TDCS, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư và các chỉ thị, kế hoạch mà tỉnh đã ban hành. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện, triển khai 2 Đề án hỗ trợ TDCS của tỉnh và ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang NHCSXH để giải quyết kịp thời yêu cầu cho vay.
Phùng Thống