Quan tâm lắp đặt máy ATM ở vùng nông thôn

Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, người dân ở một số địa phương của các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân đã kiến nghị với ngành ngân hàng lắp đặt thêm máy rút tiền tự động (ATM) ở vùng nông thôn, nhất là địa bàn cách xa thị trấn, thị tứ. Bởi, hiện nay số lượng công nhân và cán bộ, công chức, viên chức được trả lương qua tài khoản gia tăng; đối tượng thuộc người có công, thân nhân người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo được mở tài khoản thẻ ngân hàng để nhận trợ cấp hằng tháng. Do đó, việc lắp đặt thêm máy ATM góp phần thay đổi nhận thức cho người dân và giúp họ tiếp cận các dịch vụ tiện ích ngân hàng, đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, UBND tỉnh giai đoạn 2021-2025. 

Là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất ở thôn Mọc Tòng, xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm), ông Vũ Văn Toàn cho biết: Tôi thường xuyên giao dịch với khách hàng thông qua hình thức chuyển khoản. Song, khi khách hàng đến mua sản phẩm chủ yếu sử dụng tiền mặt bởi ở nông thôn chưa lắp đặt máy rút tiền tự động để người dân thực hiện các giao dịch nhận, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Đây không chỉ là băn khoăn của ông Toàn mà còn là nỗi niềm của nhiều người dân ở các địa phương, nhất là hiện nay Hà Nam đã hoàn thành việc tích hợp các dữ liệu vào căn cước công dân gắn chíp điện tử, trong đó có một số tính năng, dịch vụ tiện ích của ngân hàng để người dân thuận tiện giao dịch.

Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại các xã: Trần Hưng Đạo, Xuân Khê (Lý Nhân) nhân dân kiến nghị về việc các đối tượng thuộc người có công, thân nhân người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo thực hiện mở tài khoản thẻ ngân hàng để nhận trợ cấp xã hội hằng tháng, song trên địa bàn chưa có máy rút tiền tự động. Trong khi đó, các xã nằm ở xa trung tâm, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Nam là đơn vị trực tiếp cấp tài khoản cho các đối tượng nhưng hiện mới chỉ có một phòng giao dịch ở thị trấn Vĩnh Trụ, chưa có máy ATM. Điều này, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của các đối tượng.

Về vấn đề này, bà Dương Thị Ngọc Lan, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Nam cho biết: Qua khảo sát thực tế ở các địa phương, chi nhánh đã đề xuất với ngân hàng cấp trên hỗ trợ thêm máy ATM để lắp đặt ở Lý Nhân. Hiện đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện, hoàn thiện thủ tục và theo kế hoạch tháng tới sẽ lắp đặt máy ATM tại thị trấn Vĩnh Trụ.

Quan tâm lắp đặt máy ATM ở vùng nông thôn
Người dân rút tiền tại cây ATM trên địa bàn thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân. Ảnh: Tiến Đoàn

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, đến ngày 30/4/2023 số đơn vị trả lương qua tài khoản ở tỉnh là 1.458 đơn vị, tăng 54 đơn vị, trong đó hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 842 đơn vị; số cá nhân được trả lương qua tài khoản là 144.544 người và trong số này đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 31.407 cá nhân; số máy ATM đã lắp đặt là 131 máy, tăng 7 máy; số máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ (POS) là 611 máy, tăng 206 máy so với cùng kỳ năm 2022. Việc thanh toán từ dịch vụ của các tổ chức tín dụng diễn ra an toàn, thông suốt, hệ thống máy ATM, POS hoạt động ổn định, chất lượng được nâng cấp đáp ứng yêu cầu giao dịch của khách hàng. 

Mặc dù thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực đầu tư lắp đặt thêm máy ATM, máy POS phục vụ nhu cầu giao dịch cho người dân ở các địa phương, song theo đại diện ngân hàng thương mại khi xem xét quyết định lắp đặt máy ATM, đơn vị căn cứ vào nhiều tiêu chí cụ thể, như: hiệu quả kinh tế, công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động. Bởi, hiện nay chi phí đầu tư một máy ATM khá lớn (khoảng 1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan đến an ninh giám sát, an toàn hoạt động và tiền tiếp quỹ thường xuyên là rất quan trọng. Nhưng, thực tế nhu cầu giao dịch, số khách hàng thực hiện thanh toán qua tài khoản, số thẻ lưu hành, lượng khách hàng giao dịch trên máy ATM ở một số khu vực còn rất thấp. Hơn nữa, việc đề xuất lắp đặt máy phải được phê duyệt của Hội sở chính của ngân hàng, chi nhánh không tự quyết định. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Theo quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền can thiệp trực tiếp vào việc lắp máy cũng như vị trí đặt máy ATM, vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng quyết định và tự chịu trách nhiệm. Song, ở tỉnh ta những năm qua Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các ngân hàng thương mại ưu tiên lắp đặt thêm máy ATM tại những nơi cử tri kiến nghị khi ngân hàng bảo đảm đầy đủ các điều kiện. Nhất là ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm huyện nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tiện ích ngân hàng cho người dân trên địa bàn. 

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy