Phấn đấu tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm

8 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên toàn tỉnh ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp thu gọn sản xuất, nhu cầu sử dụng vốn giảm, trong khi đó nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) lại không bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng. Trong 4 tháng cuối năm, các NHTM tiếp tục mở rộng nguồn tín dụng cho khách hàng vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và nâng cao mức tăng trưởng tín dụng.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, ước đến hết 31/8/2023, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 66.200 tỷ đồng, tăng gần 1,5% so với tháng 1/2023. Trong tổng dư nợ trên, các NHTM đang cho vay: lãi suất từ 7% trở xuống có 6.007 tỷ đồng (chiếm 9,12% tổng dư nợ); từ trên 7%/năm - 10%/năm có 33.780 tỷ đồng (chiếm 51,3%); từ trên 10%/năm - 11%/năm có 11.621 tỷ đồng (chiếm 17,65%); từ trên 11%/năm - 13%/năm có 10.841 tỷ đồng (chiếm 16,46%); trên 13%/năm có 3.599 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 5,47% tổng dư nợ). Theo đánh giá của các NHTM, với mức lãi suất trên đã giảm so với đầu năm 2023 từ 0,5 - 1%, thậm chí có nhiều món vay giảm tới 2%. Lãi suất giảm, các NHTM lại không bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng song tăng trưởng tín dụng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Vậy nguyên nhân do đâu?

Theo lý giải của các NHTM, trong năm 2023 kinh tế trong nước và trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh. Đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho nhiều. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thi công công trình thì gặp khó khăn do chủ đầu tư nợ đọng vốn, giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi đó giá quy định của Nhà nước lại thấp hơn so với giá thị trường. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tiêu thụ hàng hóa rất chậm do sức mua của thị trường giảm mạnh. Chính vì vậy, nhu cầu vốn cho sản xuất của nhiều doanh nghiệp rất thấp.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm
Cán bộ tín dụng Chi nhánh Agribank Thanh Liêm làm thủ tục cho khách hàng vay vốn. Ảnh: Trần Thoan

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam II cho biết: Nếu so với bình quân chung của cả tỉnh, trong 8 tháng đầu năm Chi nhánh Agribank Hà Nam II vẫn có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn, một số khách hàng truyền thống của đơn vị thu gọn sản xuất, nhu cầu sử dụng vốn vay giảm, phần nào đã ảnh hưởng tới mức tăng trưởng tín dụng. Trong 4 tháng cuối năm 2023, Chi nhánh Agribank Hà Nam II tiếp tục chỉ đạo chi nhánh trực thuộc, phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên, khách hàng trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cán bộ tín dụng của các chi nhánh sẽ trực tiếp xuống hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn, nhanh chóng giải ngân vốn theo quy định.

Cũng như Chi nhánh Agribank Hà Nam II, trong thời gian qua các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc khảo sát nhu cầu vay vốn của khách hàng, kịp thời hỗ trợ khách hàng làm các thủ tục vay vốn theo quy định. Trong 4 tháng cuối năm, để nâng cao mức tăng trưởng tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng; triển khai các gói tín dụng với lãi suất hợp lý, phù hợp với đặc thù của từng nhóm khách hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Quan điểm chỉ đạo của đơn vị đối với các tổ chức tín dụng đó là tăng trưởng tín dụng đi liền với kiểm soát chất lượng tín dụng. Các tổ chức tín dụng chấp hành quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất kinh doanh, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống; dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiết kiệm chi tiêu nội bộ để giảm lãi suất cho khách hàng. Đồng thời, các NHTM xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi, từng bước vươn lên ổn định sản xuất, kinh doanh.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy