Thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đang dư thừa nguồn vốn, rất muốn tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp hiện lại không nhiều, do mặt bằng lãi suất vẫn còn tương đối cao, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề từ sức cầu yếu.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam ước đến hết 30/6/2023, huy động vốn của các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 66.800 tỷ đồng, tăng 3.077 tỷ đồng so với đầu tháng 1/2023. Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5% – 5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng phổ biến từ 5%– 6%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến từ 6,5% – 7%/năm. Trong thời điểm hiện nay, nhiều chi nhánh NHTM đang dư thừa vốn, khả năng thanh khoản tốt muốn đẩy vốn ra thị trường song lại gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Hồng Việt, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Kim Bảng cho biết: Có thời điểm nguồn vốn huy động và dư nợ của chi nhánh chênh lệch cả nghìn tỷ đồng, đơn vị rất muốn tăng trưởng tín dụng, với mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đủ điều kiện vay vốn, có uy tín song lại không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh mặc dù ngân hàng đã chào mời. Đối với một số khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng điều kiện lại không bảo đảm, chi nhánh cũng không thể giải ngân. Để tăng trưởng tín dụng, chi nhánh thường xuyên khảo sát nhu cầu vay vốn của khách hàng, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn nhanh nhất. Trong thời điểm hiện nay chi nhánh đã hướng dẫn khách hàng có đủ điều kiện, vay vốn hưởng lãi suất hỗ trợ của nội bộ hệ thống, bước đầu đạt kết quả tốt.
Cũng như Chi nhánh Agribank Kim Bảng, hiện nay nhiều chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đang dư thừa nguồn vốn, song tăng trưởng tín dụng lại chậm. Nhiều NHTM cho biết, dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ đầu quý II/2023, song trước bối cảnh thị trường có những khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hồi phục nên nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm. Trong khi đó, các ngân hàng giải ngân vốn, giãn, hoãn nợ cần phải tính toán kỹ lưỡng, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng. Tín dụng khó tăng trưởng trong nửa đầu năm nay nên tổng huy động tiền gửi đã tăng cao hơn dư nợ cho vay, sau nhiều năm mất cân đối. Nhiều NHTM đã thực hiện chính sách, nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, qua đó kích thích nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, giúp tín dụng tăng tương ứng với huy động vốn.
Trong lúc nhiều NHTM “ế” vốn, tín dụng khó bơm ra thị trường, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phản ánh thiếu vốn, cần vốn, song không thể vay vì hồ sơ, thủ tục của ngân hàng quá chặt chẽ. Mặt khác, với áp lực lãi vay cao hiện nay, không ít khách hàng ngại tiếp cận tín dụng, mà chủ yếu tận dụng nguồn vốn tự có đối với doanh nghiệp còn năng lực tài chính. Trong bối cảnh các doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất cho vay vẫn là áp lực lớn, thì việc ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ không dễ, mặc dù từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành (mức giảm từ 0,5 - 2%/năm), tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào và đầu ra, qua đó kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ trong tháng 5/2023 phổ biến trong khoảng 9,5% - 11,2%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm.Thực tế, tại nhiều ngân hàng, lãi suất các khoản vay mới hiện xoay quanh mức 10%/năm, thấp hơn so với lãi suất các khoản vay cũ là 12% - 13,5%/năm (do giá vốn các ngân hàng huy động cao trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023).
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, các NHTM triển khai kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tuân thủ các quy định của pháp luật về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh; chủ động hướng dẫn khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Hoà Hậu