kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Kho bạc Nhà nước thực hiện hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt

Kho bạc Nhà nước thực hiện hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nam đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án TTKDTM trong hệ thống KBNN. Qua đây góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng Kho bạc số nói riêng và chuyển đổi số cũng như phát triển nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh nói chung.

Bám sát chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương về chuyển đổi số, tăng cường TTKDTM và Đề án của KBNN về phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025, ngay từ đầu tháng 5/2022, KBNN Hà Nam đã tập trung  đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án TTKDTM tại KBNN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và đơn vị, thực hiện TTKDTM đối với công tác thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN; từ đó hình thành thói quen tốt cho người dân và đơn vị trong việc TTKDTM, hạn chế giao dịch, tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là trong và sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của KBNN Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 1755/UBND-KT ngày 11/7/2022 chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thực hiện TTKDTM qua KBNN Hà Nam.

Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Cán bộ kế toán KBNN tỉnh xử lý chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Thanh Bình

Theo đó, qua công tác thông tin, tuyên truyền và nghiệp vụ thanh toán, phối hợp thu NSNN giữa KBNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn, các khoản thu NSNN qua KBNN của người dân, đối tượng nộp thuế… được thực hiện triệt để bằng phương thức thanh toán qua tài khoản của người nộp tại các NHTM. Trường hợp nếu có phát sinh các khoản thu NSNN bằng tiền mặt, người nộp NSNN thực hiện nộp trực tiếp tại các NHTM để chuyển vào KBNN Hà Nam, mà không phải trực tiếp đến trụ sở KBNN Hà Nam để nộp.

Các khoản chi NSNN cho các đơn vị giao dịch được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của người thụ hưởng tại NHTM. Trường hợp nếu có phát sinh các khoản chi NSNN nhỏ lẻ bằng tiền mặt, thì cũng tương tự như thu NSNN, đơn vị thực hiện giao dịch với KBNN Hà Nam qua dịch vụ công điện tử KBNN, sau đó lĩnh tiền mặt trực tiếp tại NHTM mà không phải trực tiếp đến trụ sở KBNN Hà Nam để giao dịch cũng như rút tiền mặt.

Để thực hiện tốt các nội dung nêu trên, KBNN Hà Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước và các NHTM trên địa bàn để thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng NSNN trong  TTKDTM cũng như giao dịch bằng tiền mặt tại các NHTM đối với thu chi NSNN và các giao dịch thanh toán khác; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, dễ dàng, phù hợp để người dân, đơn vị tiếp cận, làm quen các sản phẩm, dịch vụ của hệ thống ngân hàng trong thu, chi NSNN và thanh toán, như Mobile Banking, Internet  Banking, ATM… Các quy trình, chế độ thu chi NSNN nói chung và thu chi NSNN theo hình thức TTKDTM nói riêng cũng được KBNN Hà Nam quán triệt, tăng cường tuân thủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng các cơ sở pháp lý, bảo đảm cho TTKDTM của nhân dân, đơn vị được thực hiện kịp thời, an toàn, chính xác; không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân, doanh nghiệp.

Để Đề án TTKDTM triển khai hiệu quả, các lợi ích vượt trội của TTKDTM cũng như các hướng dẫn về quy trình thu nộp tại NHTM đã được KBNN Hà Nam chú trọng thông tin, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng như: Phát sóng trên đài truyền thanh của cấp huyện, xã; gửi văn bản đến UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị; tăng cường phối hợp với NHTM trong công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp… Với sự nỗ lực toàn diện và phối hợp hiệu quả giữa KBNN Hà Nam với các đơn vị, chỉ sau thời gian ngắn triển khai đề án, các giao dịch tiền mặt qua KBNN Hà Nam đã giảm nhanh chóng. Đặc biệt, từ tháng 7/2022 đến nay, cơ quan KBNN Hà Nam và KBNN các huyện, thị xã, thành phố đã không còn giao dịch tiền mặt tại trụ sở KBNN. Các giao dịch thu NSNN bằng tiền mặt chiếm tỷ trọng rất nhỏ và được người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh các NHTM trên địa bàn tỉnh để chuyển vào KBNN.

Bên cạnh ý nghĩa, lợi ích cốt lõi của TTKDTM, như: giảm chi phí quản lý vận chuyển tiền mặt; thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát lưu thông tiền tệ, chống rửa tiền… việc tăng cường TTKDTM và không giao dịch tiền mặt tại trụ sở KBNN Hà Nam thời gian qua đã mang lại những lợi ích rất lớn đối với nhân dân, doanh nghiệp, các đơn vị có quan hệ với NSNN và đối với KBNN Hà Nam.

Đối với nhân dân, doanh nghiệp và các đơn vị có quan hệ với NSNN, TTKDTM bảo đảm sự an toàn, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn các giao dịch bằng tiền mặt. Cùng với đó, thuận lợi trong TTKDTM với KBNN đã và sẽ thúc đẩy thói quen tốt đối với các đơn vị, người nộp NSNN, các tổ chức, cá nhân khác trong giao dịch điện tử và mở tài khoản tại NHTM. Bên cạnh đó, đối với người dân, doanh nghiệp, các giao dịch thu NSNN bằng tiền mặt qua KBNN Hà Nam (còn lại rất ít) được thực hiện trực tiếp tại NHTM đã tạo ra môi trường thuận lợi để nhân dân ngày càng nâng cao kiến thức và kỹ năng trong việc sử dụng thành thạo các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, hiện đại của hệ thống ngân hàng, không chỉ trong giao dịch thu nộp NSNN mà còn trong các hoạt động quản lý tài chính của cá nhân, doanh nghiệp.

Có thể nói, đây cũng chính là điều kiện, yêu cầu quan trọng đối với nhân dân, doanh nghiệp trong xu hướng số hóa ngày càng nhanh như hiện nay, góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử và TTKDTM trong cộng đồng. Đây cũng chính là những mục tiêu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chuyển đổi số và TTKDTM trên địa bàn.

Đặc biệt, TTKDTM tại KBNN Hà Nam được thực hiện triệt để từ đầu tháng 7/2022 đã góp phần rất lớn cho KBNN Hà Nam giảm các chi phí lao động liên quan đến quy trình quản lý, xử lý tiền mặt; tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi, phân công lại lao động và tăng cường hơn nữa công tác cải cách hành chính; sớm hoàn thành Kho bạc số với mục tiêu  “3 không” theo đúng nội dung Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến 2030: Không tiền mặt, Không khách hàng giao dịch trực tiếp, Không giấy tờ.

Theo Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg và Đề án TTKDTM của NHNN, phạm vi của các yêu cầu bắt buộc phải giao dịch theo hình thức TTKDTM ngày càng rộng hơn với những chế tài khắt khe, chặt chẽ hơn, nhằm mục tiêu ngày càng tăng cường TTKDTM trong xã hội. Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới KBNN Hà Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị liên quan duy trì, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án TTKDTM qua KBNN, góp phần tích cực hơn nữa vào công cuộc chuyển đổi số nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội số nói chung của tỉnh.

Lê Thanh Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy