Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tín dụng CSXH với mục tiêu giảm nghèo bền vững

Sáng 23/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Vai trò hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững".

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành chức năng; đại diện các tổ chức chính trị, xã hội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Hà Thị Minh Tâm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng CSXH đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, đến 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng, tăng 40,2% so với 31/12/2015 (tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%), với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong tổng nguồn vốn trên, được đầu tư cho vay theo các chương trình tín dụng, bao gồm: Chương trình tín dụng hộ nghèo với dư nợ đạt 35.888 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ, với hơn 1,1 triệu hộ đang còn dư nợ; Chương trình tín dụng hộ cận nghèo, dư nợ đạt 31.572 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng dư nợ với hơn 894 nghìn hộ còn dư nợ; Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo với dư nợ đạt 33.159 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng dư nợ với trên 1 triệu hộ còn dư nợ; Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ đạt 34.035 tỷ đồng, chiếm 17% tổng dư nợ với gần 2,8 triệu lượt hộ còn dư nợ; Chương trình cho vay giải quyết việc làm với dư nợ đạt 17.285 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ với gần 529 nghìn khách hàng còn dư nợ; Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với dư nợ đạt 11.038 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng dư nợ với trên 414 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Ngoài ra, Ngân hàng CSXH có các chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số… Vốn tín dụng CSXH được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Kết quả: trong giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016-2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,23% (bình quân 1,0%/năm).

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng CSXH, với tinh thần phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mục tiêu, phấn đấu: Dư nợ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%; Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ; Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung tăng hằng năm bình quân trên 20%.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.