Nhằm tăng trưởng nguồn vốn tín dụng, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã chủ động bám sát các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; đề án, mô hình của tỉnh để giải ngân vốn cho khách hàng vay. Thông qua nguồn vốn của ngân hàng, nhiều khách hàng đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng đưa các nghị quyết của tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Thực hiện Đề án phát triển đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh, đến nay các NHTM đang giải ngân 32 tỷ đồng cho 71 khách hàng vay vốn. Thông qua nguồn vốn, nhiều khách hàng đã mở rộng trang trại góp phần nâng cao hiệu quả thu nhập cho kinh tế hộ. Cụ thể, tại thị xã Duy Tiên, thời gian qua đã phát triển được 107 hộ nuôi bò sữa, với tổng đàn duy trì hơn 3.500 con. Hầu hết các hộ gia đình trên đều sử dụng vốn vay của ngân hàng, trong đó có nhiều hộ đã hoàn trả cả vốn và lãi.
Điển hình như, hộ ông Nguyễn Văn Khu, ở xã Chuyên Ngoại hiện tại đang nuôi tới 130 con bò sữa, trong đó đã có 100 con cho khai thác sữa, một ngày thu được khoảng 1,5 - 2 tấn sữa, trừ chi phí còn thu lãi khoảng 2-3 triệu đồng/con/tháng. Ông Khu chia sẻ, muốn phát triển đàn bò sữa, ngoài sử dụng vốn của gia đình, ông còn phải vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò giống, trồng nguyên liệu để làm thức ăn cho bò. Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh ở địa phương có vùng đất bãi, đầu những năm 2000 ông đã mạnh dạn thuê đất của xã, của bà con, kết hợp với đất nông nghiệp của gia đình xây dựng trạng trại nuôi bò và đầu tư học hỏi kinh nghiệm nuôi bò ở nhiều trang trại lớn. Sau hơn 20 năm làm nghề, từ nuôi vài con, đến nay trang trại của ông đã nuôi 130 con bò sữa và ông đã hoàn toàn làm chủ quy trình, kỹ thuật chăn nuôi bò. Hiện tại trang trại của ông đang sử dụng khoảng 6 tỷ đồng nguồn vốn của ngân hàng, với lãi suất từ 7-8,2%/năm.
Cũng như ông Khu, nhiều hộ gia đình nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam thực hiện 3 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, ước đến hết tháng 2/2024 các NHTM đã giải ngân 48.311 tỷ đồng, cho 170.936 khách hàng vay vốn.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021- 2025 định hướng đến năm 2030, dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đạt 19.746 tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm, với 3.854 khách hàng còn dư nợ; thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.777 tỷ đồng, giảm 0,41% so với đầu năm, với 20.214 khách hàng còn dư nợ; thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, dư nợ cho vay lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt 23.788 tỷ đồng, giảm 12,9% so với đầu năm, với 14.868 khách hàng còn dư nợ. Ngoài ra, các NHTM đã giải ngân cho vay theo Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa đạt 32 tỷ đồng, với 71 khách hàng còn dư nợ; cho vay theo mô hình liên kết 4 nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi dư nợ đạt 84 tỷ đồng, với 522 khách hàng còn dư nợ.
Để có được kết quả trên, căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời tuyên truyền cho khách hàng làm thủ tục vay vốn. Hằng năm, các chi nhánh ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu sử dụng vốn của từng hộ gia đình, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn, kịp thời giải ngân vốn cho khách hàng vay. Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương (Viettinbank) Hà Nam, Chi nhánh NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Hà Nam tập trung giải ngân vốn cho khách hàng vay theo các nghị quyết về phát triển công nghiệp, nghị quyết về phát triển thương mại dịch vụ; Chi nhánh Agribank Hà Nam giải ngân cho vay theo các nghị quyết, đề án, mô hình về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ...
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam II cho biết: Thực hiện nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chi nhánh Agribank II đã tập trung chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc giải ngân vốn cho khách hàng là hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sạch, làm kinh tế trang trại. Cụ thể, đến thời điểm này tổng dư nợ tín dụng của chi nhánh hơn 6.000 tỷ đồng, thì khoảng hơn 80% nguồn vốn đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, chi nhánh đã giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho khách hàng vay cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ. Nhiều khách hàng vay vốn đầu tư nuôi bò thịt, nuôi lợn, gia cầm, xây dựng các trang trại... với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng.
Trong thời gian tới, Chi nhánh Agribank Hà Nam II tiếp tục bám sát vào các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các đề án phát triển kinh tế của tỉnh, rà soát nhu cầu vay vốn của từng khách hàng, bám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, của hộ gia đình, kịp thời giải ngân vốn cho vay theo kế hoạch.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận chính sách tín dụng hiệu quả nhất; triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh để giải ngân vốn kịp thời cho khách hàng vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trần Hữu