Thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ - CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung giải ngân vốn cho vay theo chương trình cho vay nhà ở xã hội. Nhiều hộ gia đình sau khi sử dụng nguồn vốn vay, cải tạo xây mới nhà ở đã góp phần quan trọng cải thiện cuộc sống.
Theo tổng hợp của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam, đến hết năm 2023 dư nợ cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 258 tỷ 100 triệu đồng với 715 khách hàng còn dư nợ. Khách hàng được vay tiền để mua, thuê mua, xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở gồm: Người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, trong năm 2023 Chi nhánh NHCSXH Hà Nam còn phối hợp với Công ty đầu tư hạ tầng và đô thị Vigracera – Chi nhánh Tổng công ty Vigracera (chủ đầu tư dự án nhà ở tại KCN Đồng Văn IV) khảo sát nhu cầu mua nhà ở xã hội và thuê nhà ở xã hội để giải ngân vốn cho công nhân vay. Thời gian vay vốn kéo dài 15 – 20 năm, với lãi suất ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Bước đầu đã có khoảng gần 300 cán bộ, công nhân đăng ký thuê nhà ở xã hội và hơn 246 công nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Theo Ông Đinh Quốc Toàn, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành KCN Đồng Văn IV, nhà ở xã hội bán cho công nhân được sử dụng riêng có diện tích 28 – 54 và 67 m2/ căn hộ chung cư; giá trị căn hộ khoảng từ 300 - 619 triệu đồng. Đối tượng được mua nhà ở xã hội là cán bộ, công nhân làm việc tại KCN Đồng Văn IV chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực (trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người). Công nhân phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội, có tham gia BHXH tại tỉnh 1 năm trở lên.
Ngoài ra, công nhân thuộc diện mua nhà không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định. Theo kế hoạch đến hết năm 2025, tại KCN Đồng Văn IV có 11 tòa nhà ở xã hội được hoàn thiện, với 2.021 căn hộ nhà ở xã hội phục vụ cho thuê và bán cho công nhân.
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Chương trình cho vay nhà ở xã hội là một chính sách lớn, mang ý nghĩa nhân văn. Theo đó, các đối tượng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở với mức vay tối đa 500 triệu đồng và ngân hàng cho vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Điểm ưu đãi nổi bật của chương trình là lãi suất thấp, chỉ có 4,8%/năm (0,4%/tháng). Người vay cần có đủ hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ theo cam kết; có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích, công bằng, việc cho vay cũng được Chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt chương trình cho vay nhà ở xã hội, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác thống kê rà soát, bổ sung các đối tượng trong diện thụ hưởng được tiếp cận vốn vay để kịp thời giải ngân vốn theo quy định. Hằng năm, rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn về nhà ở của người dân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bổ sung nguồn vốn đáp ứng với yêu cầu thực tế ở từng địa phương.
Trần Hữu