kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

Những năm qua, sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh luôn duy trì quy mô diện tích hơn 2.000 ha trên đất chuyên màu và một phần đất hai lúa cốt cao chuyển đổi. Tại nhiều địa phương đã hình thành được những vùng tập trung sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ và liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả theo hợp đồng, giúp nâng cao giá trị và lợi nhuận trên diện tích canh tác.

Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả với các cơ sở, hợp tác xã (HTX)… đang là cách làm hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh. HTX nông nghiệp Hạ Vỹ (Nhân Chính, Lý Nhân) là vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP được duy trì ổn định gần 10 năm nay. Trên diện tích này, người dân sản xuất đa dạng các loại rau, củ, quả theo mùa vụ, như: hành lá, đậu trạch, súp lơ, bắp cải… Toàn bộ sản phẩm đều được ký hợp đồng tiêu thụ với HTX Nông sản sạch Bảo An (thị trấn Vĩnh Trụ) cung cấp cho hệ thống siêu thị Win Mart, Go!, các bếp ăn tập thể, cửa hàng nông sản an toàn… Do vậy, giá bán sản phẩm rau, củ, quả trong vùng sản xuất luôn ổn định ở mức cao. Năm 2024, chỉ riêng sản phẩm hành lá, doanh thu của các hộ trồng tại địa phương xuất cho đơn vị thu mua đã đạt gần 1 tỷ đồng. Theo các hộ sản xuất trong vùng, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình sản xuất rau, củ, quả. Về cơ bản, hiện không phải lo về giá hay thị trường vì khâu tiêu thụ sản phẩm đã được bảo đảm.

 Bí xanh được HTX Nông sản sạch Bảo An thu mua qua hợp đồng liên kết.

Ngoài Hạ Vỹ, một số vùng sản xuất rau, củ, quả trong tỉnh đang duy trì, phát triển sản xuất qua việc ký hợp đồng với HTX Nông sản sạch Bảo An (tổng diện tích khoảng 30 ha), như các xã: Nhân Nghĩa, Nhân Bình (Lý Nhân); Hưng Công, Bình Nghĩa (Bình Lục)… Trong số này, diện tích sản xuất trên đất chuyên màu (15 ha) được ký hợp đồng cả năm, còn lại là sản xuất vụ đông trên đất hai lúa. Những diện tích sản xuất đã ký hợp đồng, HTX Nông sản sạch Bảo An chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm. Giá thu mua căn cứ vào thời điểm thu hoạch và cao hơn giá thị trường tự do 5 – 10% (tùy theo sản phẩm). Về phía người sản xuất, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, bảo đảm sản phẩm đủ điều kiện đưa vào các siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch… Sản phẩm được định kỳ kiểm tra, lấy mẫu test những chỉ số chính về chất lượng. Ông Trần Ngọc Hiếu (Giám đốc HTX Nông sản sạch Bảo An) cho biết: Nhu cầu cung cấp rau, củ, quả của HTX rất lớn, bình quân mỗi ngày hơn 4.000 kg. Việc ký hợp đồng sản xuất, thu mua sản phẩm ổn định tại các vùng rau có lợi cho cả người dân và HTX. Với những nơi đã ký hợp đồng, người dân duy trì sản xuất ổn định ở tất cả các vụ trong năm.

Sản xuất rau, củ, quả theo hợp đồng đang được nhiều vùng chuyên trồng rau màu trên địa bàn tỉnh áp dụng. HTX rau hữu cơ Phù Vân (thành phố Phủ Lý) có hợp đồng cung cấp lượng rau xanh cho một số cửa hàng trên địa bàn thành phố. HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (Thi Sơn, Kim Bảng) sản xuất, cung ứng sản phẩm theo hợp đồng trên diện tích hơn 4 ha. Trong đó, 1 ha trồng khoai tây, rau ký hợp đồng với Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam làm nguyên liệu chế biến; diện tích còn lại trồng rau, củ, quả cung ứng cho các bếp ăn, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Hiện, mỗi ngày bình quân HTX cung ứng 300 – 400 kg rau các loại. Do có ký kết hợp đồng, HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo nguồn cung sản phẩm chất lượng. Anh Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp chia sẻ: Sản xuất theo hợp đồng giúp ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm. Các lứa rau, củ được bố trí trồng gối lứa để có thể thu hoạch, cung cấp trong cả giai đoạn dài của mùa vụ.

Thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả theo hợp đồng giúp giải quyết được những khó khăn mà nhiều vùng trồng gặp phải trong suốt thời gian dài. Đó là, cơ bản xóa bỏ tình trạng “được mùa, mất giá - mất mùa được giá”. Đồng thời, khi có hợp đồng, người dân sản xuất theo kế hoạch, hạn chế tình trạng cùng loại sản phẩm thu hoạch đồng loạt dẫn đến “cung vượt cầu”, khó tiêu thụ. Trước đây, đã có không ít vụ xảy ra tình trạng rau, củ, quả sản xuất ra không tiêu thụ được dẫn đến quá lứa, người dân phải phá bỏ. Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả là yêu cầu cần thiết của giai đoạn phát triển mới. Trong quá trình xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đơn vị đều kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng sản xuất theo hợp đồng bảo đảm tính ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là các nông sản bảo đảm an toàn chất lượng ngày càng cao. Tăng cường liên kết sản xuất không những giúp sản xuất rau, củ, quả nâng cao giá trị và lợi nhuận trên diện tích canh tác mà còn giúp các địa phương khai thác tốt thế mạnh vùng đất trồng rau, màu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Manh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy