kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn

Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn

Xác định, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là bộ phận quan trọng trong quy trình cho vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với các hội đoàn thể xã hội trên địa bàn, hằng năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND cấp xã rà soát, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV tại địa phương.  Ban quản lý tổ tham gia đầy đủ các phiên giao dịch của ngân hàng tại Điểm giao dịch xã và hướng dẫn tổ viên thực hiện giao dịch, bình xét, đôn đốc thu nợ; vận động tổ viên chấp hành quy ước, thực hành tiết kiệm, chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.365 tổ, giảm 17 tổ so với năm 2022 và mỗi tổ có từ 30 - 35 tổ viên, với dư nợ bình quân đạt 2.342 triệu đồng.

 Để triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác đã phối hợp với Chi nhánh NHCSXH tỉnh nhận và thông báo kết quả phê duyệt danh sách hộ gia đình được vay vốn cho tổ TK&VV. Trên cơ sở đó, tổ thông báo đến từng hộ gia đình và chứng kiến việc giải ngân vốn của ngân hàng cho khách hàng tại địa phương. Năm 2023 dư nợ của hội đoàn thể nhận ủy thác thông qua các tổ TK&VV của tỉnh đạt gần 3.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,84% tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn với 48.855 hộ còn dư nợ, tăng 528.740 triệu đồng so với đầu năm.

Cùng với các hoạt động giải ngân, tổ TK&VV phối hợp với ngân hàng, chính quyền  xử lý những trường hợp trây ì, nợ quá hạn, người vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú; hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro bởi nguyên nhân khách quan. Hằng tháng, NHCSXH thực hiện giao dịch tại xã tổ chức giao ban với lãnh đạo các hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ TK&VV và triển khai các văn bản nghiệp vụ mới. Đồng thời, định kỳ hai tháng/lần giao ban với Hội đoàn thể cấp huyện để đánh giá kết quả hoạt động, phân tích nợ đến hạn chưa thu được, nợ quá hạn đối với các hội, đoàn, thể cấp dưới nhằm nâng cao chất lượng ủy thác. Các hội đoàn thể nhận ủy thác cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình tín dụng mới, huy động tiền tiết kiệm của thành viên thông qua các tổ TK&VV. Năm 2023, nguồn vốn huy động tiết kiệm qua tổ đạt gần 105 tỷ đồng, tăng gần 14,3 tỷ đồng so với đầu năm và tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm định kỳ đạt trên 90%.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Tổ trưởng tổ TK&VV thuộc chi hội phụ nữ thôn Kiều Đan Thượng, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý, người đảm nhiệm trọng trách Tổ trưởng tổ TK&VV gần 20 năm nay, chia sẻ:  Hằng năm, tổ bám sát chỉ đạo của ngân hàng, hội và nhu cầu thực tế của tổ viên để bảo đảm nguồn vốn cho vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Cùng với đó, Ban quản lý tổ luôn tăng cường các biện pháp kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ lãi hằng tháng, gốc đến kỳ, do đó không phát sinh nợ quá hạn và được các cấp, ngành đánh giá cao. Hiện tổ có 30 thành viên với dư nợ 2 tỷ 076 triệu đồng và huy động gửi tiền tiết kiệm được 45 triệu đồng...

Ban quản lý tổ TK&VV xã Liêm Phong (Thanh Liêm) tham gia chứng kiến hoạt động giải ngân tại Điểm giao dịch xã. Ảnh: Đức Anh

Năm 2023, toàn tỉnh đã kiểm tra hoạt động tín dụng tại 737 tổ TK&VV và đối chiếu 7.319 hộ vay vốn. Theo đánh giá, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV ngày càng được củng cố và nâng cao. Nhờ đó, giảm tỷ lệ nợ quá hạn, năm 2023 toàn tỉnh có 60/109 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn và 1.263 tổ TK&VV, (chiếm tỷ lệ 92,53% tổng số tổ) không phát sinh nợ quá hạn. Qua phân loại có 96,7% số tổ xếp loại tốt; 2,12% tổ xếp loại khá và trung bình chiếm 1,18%, không có tổ xếp loại yếu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phối hợp thực hiện tại một số hội cấp cơ sở, tổ TK&VV vẫn còn một số tồn tại.  Việc theo dõi, quản lý nguồn vốn ủy thác chưa sát sao, chưa tập trung đôn đốc kịp thời những món vay đến hạn trả nợ phân kỳ, cuối kỳ và chưa kịp thời đề xuất với chính quyền địa phương về các biện pháp đôn đốc để thu nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới đến các đối tượng thụ hưởng, giám sát sử dụng vốn vay còn hạn chế.

Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng, giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, năm 2024, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn Quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác cho vay theo quy định; Tuyên truyền, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn phân kỳ và nợ đến hạn cuối kỳ tại điểm giao dịch xã, hạn chế tối đa để nợ quá hạn mới phát sinh; phấn đấu giảm nợ quá hạn dưới 0,15% và thấp hơn mức bình quân chung toàn quốc; Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác, hoạt động tổ TK&VV; Tiếp tục kiện toàn và thay thế những tổ hoạt động không hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng các xã, tổ có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%; duy trì tỷ lệ thu nợ gốc đến cuối kỳ từ 95%, nâng cao tỷ lệ thu nợ đến hạn phân kỳ.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy