Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với xu hướng giảm xuống ở tất cả các kỳ hạn. Theo dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp. Đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, Hà Nam, đến hết tháng 2/2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh huy động vốn ước đạt khoảng 75.300 tỷ đồng, tăng 893 tỷ đồng so với đầu năm. Trong tổng nguồn vốn huy động trên, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4 – 4,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng phổ biến từ 5– 6%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến từ 6 – 7%/năm. Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024, các NHTM đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với xu hướng giảm xuống ở tất cả các kỳ hạn. Nhiều ngân hàng lãi suất huy động áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng khoảng 2,45%/năm, 3-5 tháng khoảng 2,85 - 3%/năm, trên 12 tháng là 4,5 - 5%/năm. Trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, mức lãi suất được cộng thêm trung bình 0,25 -0,4 điểm phần trăm tùy kỳ hạn tiền gửi.
Tại NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm giảm tại nhiều kỳ hạn. Theo đó, sau khi giảm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm, khung lãi suất được ghi nhận từ 1,9%/năm đến 5%/năm, hình thức nhận lãi cuối kỳ. Chi tiết như sau, đối với kỳ hạn 1 - 2 tháng, BIDV đang triển khai lãi suất ở chung mức 1,9%/năm. Khách hàng sẽ được hưởng chung mức lãi suất 2,2%/năm khi gửi tiết kiệm tại hai kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng, 3,2%/năm là lãi suất BIDV áp dụng cho kỳ hạn 6 - 9 tháng. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 - 18 tháng sẽ được ấn định lãi suất ở chung mức 4,8%/năm. Hiện tại, khách hàng cá nhân đang được hưởng mức lãi suất ưu đãi nhất khi gửi tiền tại hai kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng là 5%/năm. Đây đồng thời cũng là mức lãi suất cao nhất đang được BIDV triển khai. Đối với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) áp dụng mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cá nhân là 5,6%/năm.
Qua khảo sát tại các Chi nhánh: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), cũng như nhóm các NHTM cổ phần như: Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quân đội (MB), Á Châu (ACB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… lãi suất huy động cũng giảm mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, thời điểm này những năm trước, khi lãi suất huy động giảm, lượng tiền gửi cũng giảm theo vì phải cạnh tranh với nhiều kênh huy động hấp dẫn khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ. Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng... rơi vào tình trạng “đóng băng” hoặc lên xuống thất thường, chưa thực sự sôi động, khó có lợi nhuận nên gửi tiết kiệm vẫn được người dân lựa chọn như một nơi an toàn, mặc dù lãi suất tiền gửi giảm mạnh. Hơn nữa, thay vì giảm lượng tiền gửi, trong đầu năm nay con số này lại đang có xu hướng tăng và nhiều ngân hàng đang dư thừa vốn, dẫn tới tín dụng tăng trưởng ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Lãi suất huy động tiếp tục giảm cũng được coi là điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy sản xuất phát triển.
Ông Lương Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Agribank Thanh Liêm cho biết: Nếu so với nguồn vốn huy động, đến thời điểm này chi nhánh đang dư thừa cả nghìn tỷ đồng. Việc giảm lãi suất huy động, cũng là điều kiện thuận lợi để chi nhánh giảm lãi suất cho vay. Trong thời gian tới, Chi nhánh Agribank Thanh Liêm tập trung đầu tư cho khách hàng là hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, phát triển dịch vụ, vận tải, đầu tư kinh tế hộ. Trên cơ sở đó, Chi nhánh Agribank Thanh Liêm tiếp tục rà soát từng khách hàng, bám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, của hộ gia đình, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng vay vốn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp khó khăn, việc các NHTM đồng loạt giảm lãi suất huy động vốn ở tất cả các kỳ hạn là điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất cho vay. Các NHTM đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nhất là vào giai đoạn dư thừa vốn. Đối với doanh nghiệp, đang rất cần tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu khi doanh thu, lợi nhuận bị sụt giảm bởi thị trường thiếu ổn định, khó khăn về đầu ra. Chính vì vậy, rất cần có thêm cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để bảo đảm các trình tự, thủ tục vay vốn đơn giản hơn, qua đó kịp thời bổ sung nguồn vốn cho khách hàng trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Phạm Văn Tùng, Quyền Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam, trong thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam chỉ đạo các NHTM bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN; đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; tuân thủ các quy định của pháp luật về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh; bảo đảm quá trình thu hồi nợ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao; chấp hành nghiêm quy định về lãi suất, phí và tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay, khi lãi suất huy động giảm; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền cơ chế, chính sách, thông tin về các sản phẩm dịch vụ; bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trần Hữu