Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Trong 10 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khoảng gần 5% so với cuối năm 2022. Nhằm kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng dư nợ tín dụng, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Nam, ước đến hết 31/10/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 68.300 tỷ đồng, tăng khoảng gần 5% so với cuối năm 2022. Để tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là vào dịp cuối năm các NHTM trong tỉnh đã hướng mạnh vào cho vay tiêu dùng, nhất là ở các khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ. Nhiều ngân hàng đã mở rộng cho vay tiêu dùng lên tới 200 - 300 triệu đồng, trong đó khách hàng vay 200 triệu đồng không cần làm thủ tục thế chấp tài sản và tăng nguồn vốn đầu tư cho khách hàng vay sửa chữa nhà cửa, mua xe, mua sắm thiết bị trong gia đình.

Đối tượng khách hàng mà các ngân hàng hướng tới là cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, công nhân làm việc trong các KCN có thu nhập ổn định. Khách hàng có thể sử dụng các gói vay khác nhau để sửa chữa nhà ở, mua xe và đầu tư cải thiện cuộc sống. Quan điểm chỉ đạo của nhiều ngân hàng đầu tư giải ngân vốn cho vay tiêu dùng là không khống chế tăng trưởng, song phải bảo đảm cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Cán bộ Chi nhánh Agribank Duy Tiên đang làm thủ tục giao dịch với khách hàng. Ảnh Trần Hữu

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam II cho biết: Chi nhánh Agribank Hà Nam II đã bám sát chỉ đạo của hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào phân khúc khách hàng bán lẻ kết hợp với sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Chi nhánh Agribank II tập trung cung cấp các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và các dịch vụ đối với người dân, trong đó cơ cấu tín dụng của Agribank, cho vay tiêu dùng chiếm khoảng hơn 30% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Đối tượng mà chi nhánh hướng tới là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống ở khu vực đô thị và nông thôn. Dự báo của ngân hàng, vào dịp cuối năm nhu cầu vay vốn của người dân lớn, chi nhánh sẽ tập trung nguồn vốn cho vay tiêu dùng như sửa chữa nhà cửa, mua phương tiện, mua sắm đồ dùng gia đình, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Việc mở rộng giải ngân vốn cho vay tiêu dùng nhằm góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức (như tín dụng đen), giảm thiểu các hệ lụy, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi các NHTM đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ kích cầu sản xuất và là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi thì việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không chỉ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mà còn kích thích sản xuất phát triển. Hơn nữa, việc mở rộng tín dụng cho vay tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen. Tuy nhiên, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ cho tiêu dùng hiện nay vẫn gặp rào cản do suy thoái kinh tế, việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định, mức thu nhập còn thấp, dẫn tới chưa dám tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Để giải ngân vốn cho người dân vay tiêu dùng, cần có chính sách giảm lãi suất và kéo dài thời gian thanh khoản hợp đồng, trong bối cảnh kinh tế và mức thu nhập của người dân còn khó khăn. Có như vậy, cho vay tiêu dùng mới thực sự là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.

Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
 Ảnh Trần Thoan

Theo nhận định của các NHTM, tín dụng tiêu dùng trong thời gian qua phát triển khá nhanh và được đánh giá còn nhiều tiềm năng, bởi đây là thị trường mà các NHTM hướng đến để hỗ trợ kích cầu trong bối cảnh sức mua trầm lắng hiện nay. Chính phủ cũng chỉ đạo các NHTM mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng, xem như là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay. Trong năm 2023, SeABank có chương trình cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 9,29%/năm; Vietcombank hợp tác với Công ty ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam triển khai chương trình cho vay mua xe với lãi suất từ 0%-9,5%/năm; VPBank kết hợp Mitsubishi Motor Vietnam triển khai cho vay mua xe lãi suất ưu đãi 8,8%/năm với thời gian duyệt vay nhanh chóng. Sacombank cũng có gói cho vay mua xe lãi suất 8,5%/năm và vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay kéo dài đến 10 năm;…

Tại Hà Nam, nhằm tăng trưởng tín dụng, vào dịp cuối năm, nhóm đối tượng mà các NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục hướng tới cho vay tiêu dùng là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người hưởng lương hưu, các hộ dân kinh doanh buôn bán thương mại và công nhân lao động có thu nhập ổn định trong các doanh nghiệp. Theo các NHTM, cho vay tiêu dùng là một kênh quan trọng để tăng trưởng tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy