Ngày 17 tháng 8 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Đây là chính sách nhân văn, nhằm tạo điều kiện giúp những người đã từng lầm lỗi và các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng lao động thi hành xong án phạt tù có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Quyết định 22 quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Cụ thể, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Về phương thức cho vay, đối với người chấp hành xong án phạt tù thì đại diện hộ gia đình đứng tên vay vốn và giao dịch với ngân hàng; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, NHCSXH nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.
Tại Hà Nam, nhiều khách hàng thuộc diện được vay vốn đã nhanh chóng triển khai sản xuất kinh doanh, xóa bỏ mặc cảm, từng bước vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Anh Trần Văn Mạnh ở huyện Lý Nhân, tâm sự: Nhiều khi nghĩ về quá khứ bản thân tôi cảm thấy mặc cảm, thêm nữa, khi trở về tái hòa nhập cộng đồng vốn liếng phát triển kinh tế không có, tôi thấy khá bế tắc. Vừa qua, được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay số tiền 100 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp được, vợ chồng tôi sẽ mở rộng xưởng may thành 10-15 máy may để cùng bà con làm ăn. Đây là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống.
Cũng tại huyện Lý Nhân, hiện có 7 hộ có người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 610 triệu đồng; thị xã Duy Tiên có 7 trường hợp vay, với tổng dư nợ 700 triệu đồng; huyện Kim Bảng có 5 trường hợp vay, tổng dư nợ là 370 triệu đồng; thành phố Phủ Lý có 5 trường hợp vay với tổng dư nợ 500 triệu đồng…
Ngay sau khi quyết định được ban hành và có hiệu lực, hệ thống ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội và các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách mới này đến với nhân dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng.
Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc NHSXH chi nhánh tỉnh cho biết: Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nhận ủy thác tuyên truyền về chính sách tín dụng này; phối hợp với Công an tỉnh xây dựng chương trình, triển khai các quy định tới các đối tượng được thụ hưởng. Cùng với đó, chi nhánh thực hiện khảo sát nhu cầu vay vốn đến từng đối tượng theo danh sách cơ quan Công an cung cấp làm cơ sở giải ngân cho vay kịp thời.
Với cách làm đó, từ ngày 10/10 đến nay, các phòng giao dịch ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã cho 29 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù vay vốn phát triển kinh tế; doanh số cho vay đến 20/12/2023 được hơn 2,6 tỷ đồng. Chi nhánh đang tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn, sẵn sàng nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho khách hàng vay.
Có thể nói, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ như một luồng sinh khí mới, làm điểm tựa giúp những người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện làm lại cuộc đời, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người chấp hành xong án phạt tù vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần giảm nguy cơ tái phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Trần Hữu