Sáng 17/5, tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm) Sở NN & PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết vụ mùa 2022, vụ đông 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa 2023, vụ đông 2023 – 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Vượng, Tinh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT); Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT).
Theo báo cáo, thời tiết năm 2022 của tỉnh diễn biến phức tạp, đầu vụ sản xuất gặp mưa lớn… ảnh hưởng đến lúa mùa. Tuy vậy, cả tỉnh vẫn gieo cấy được trên 29.300 ha, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Về cơ cấu giống được đảm bảo, với 44,6% lúa chất lượng, 48,1% lúa thuần khác, lúa lai 21,8%. Năng suất lúa của tỉnh đạt bình quân 57,6 tạ/ha, tương đương với vụ mùa năm 2021. Đối với sản xuất vụ đông 2022 – 2023, tổng diện tích gieo trồng đạt 8.478 ha, bằng 87,3% kế hoạch. Nhiều loại cây trồng hàng hóa giá trị cao đảm bảo diện tích sản xuất, như: dưa chuột đạt gần 750 ha, bí đỏ 890 ha, bí xanh 405 ha, ngô hơn 2.000 ha… Giá trị sản xuất vụ đông ước đạt 495 tỷ đồng.
Vụ mùa năm 2023, toàn tỉnh đặt ra mục tiêu gieo cấy 28.681 ha, năng suất phấn đấu 55,4 tạ/ha, sản lượng thóc 158.771 tấn. Đối với cơ cấu mùa vụ, trà lúa mùa sớm được bố trí tỷ lệ trên 54%, trà mùa trung 43%, trà mùa muộn khoảng 3%. Về cơ cấu giống, mỗi địa phương bố trí từ 3 – 5 giống lúa chủ lực trong bộ giống của tỉnh có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh bạc lá…, nhất là phù hợp với việc thu mua, chế biến của doanh nghiệp lương thực và thị hiếu người tiêu dùng. Duy trì và mở rộng cánh đồng mẫu liên kết sản xuất với doanh nghiệp… Dự kiến, trà lúa mùa sớm được thưc hiện xong trước 30/6, kết thúc gieo cấy ngày 10 - 15/7.
Sản xuất vụ đông 2023 – 2024 được xây dựng kế hoạch gieo trồng 8.887 ha, với hơn 5.700 ha trên đất 2 lúa. Diện tích sản xuất các loại cây trồng chính, gồm: Cây ngô 2.283 ha, đậu tương 679 ha, dưa chuột 751 ha, bí xanh 546 ha, bí đỏ 939 ha, rau các loại gần 2.800 ha…
Để các vụ sản xuất thắng lợi các địa phương cần quy hoạch, bố trí sản xuất vụ mùa gắn với sản xuất vụ đông. Nhất là bố trí diện tích trà mùa sớm ở những vùng đất phù hợp với gieo trồng cây vụ đông hàng hóa ưa ấm. Sản xuất vụ mùa cần tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ, nhất là diện tích lúa gieo thẳng. Các đơn vị kỹ thuật của ngành nông nghiệp, huyện, thành phố, thị xã, HTXDVNN tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Mục tiêu chính là hoàn thành các vụ sản xuất cả về diện tích, mùa vụ, cơ cấu giống, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT) đề nghị làm tốt một số nhiệm vụ chính cho sản xuất vụ mùa 2023, vụ đông 2023 – 2024: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa; tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ KHKT chú trọng các giống cây trồng mới; đưa cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất; các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch hại cả vụ mùa và vụ đông. Sở NN & PTNT tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, nhất là Đài khí tượng thủy văn tỉnh nắm bắt diễn biến thời tiết kịp thời chỉ đạo biện pháp ứng phó bất thuận của thời tiết, biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân... Về nhiệm vụ trước mắt, các địa phương tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh trên lúa xuân giai đoạn cuối vụ, triển khai thu hoạch nhanh, gọn khi lúa chín để giải phóng đất sản xuất vụ mùa, nhất là trà lúa mùa sớm đảm bảo cho sản xuất vụ đông ưa ấm trên đất hai lúa.
Tại hội nghị, có 6 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất vụ mùa năm 2022, vụ đông 2022 – 2023 được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trước đó, các đại biểu dự hội nghị đã đi thăm mô hình trình diễn sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN công nghệ Nano Canxi Silic tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm).
Mạnh Hùng