Tổng kết Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2023”:Lúa cấy máy cho giá trị cao hơn các phương pháp gieo cấy khác từ 7 – 10 triệu đồng/ha

Sáng 4/10, tại xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) Sở NN & PTNT đã tổ chức tổng kết Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2023”.

Tổng kết Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2023”
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Thực hiện đề án, trong các năm từ 2021 – 2023 trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 16 mô hình cấy máy (quy mô 25ha/mô hình), 10 mô hình tổ dịch vụ (công suất 1.200 ha/năm). Với các mô hình cấy máy được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; mô hình tổ dịch vụ hỗ trợ 50% chi phí mua máy gieo hạt tự động và 25.000 khay nhựa gieo mạ. Trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm 12 tổ dịch vụ đáp ứng khoảng 1.400 ha/năm. Diện tích cấy máy được mở rộng qua hàng năm: Năm 2021 đạt 1.252 ha, bằng 75,9% kế hoạch, chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; năm 2022 đạt 4.654 ha, bằng 145,4% kế hoạch, chiếm 8,1% diện tích gieo cấy; năm 2023 đạt 9.644 ha, bằng 192,9% kế hoạch chiếm 16,8% diện tích gieo cấy.

Về hiệu quả kinh tế, lúa cấy máy cao hơn các phương pháp gieo cấy khác từ 7 – 10 triệu đồng/ha. Đặc biệt, cấy máy giúp tháo gỡ khó khăn về lao động thời vụ khu vực nông thôn; áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa khâu gieo cấy; hình thành chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất; hạn chế sâu, bệnh,cỏ dại, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật bảo vệ môi trường.

Tổng kết Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2023”
Các đại biểu tham quan mô hình lúa cấy máy tại xã Nhân Mỹ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một bộ phận người dân vẫn bỏ thêm công dặm lúa khi thấy mật độ cấy máy thưa dẫn đến tốn thêm chi phí, công lao động; mặt bằng xây dựng kho, bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ cho các tổ dịch vụ gặp khó khăn; nhiều địa phương chưa xây dựng được vùng cấy máy tập trung; nguồn nguyên liệu giá thể làm mạ khay trong tỉnh chưa chủ động được phải mua từ Thanh Hóa chi phí vận chuyển lớn…

Thời gian tới, để mở rộng được diện tích cấy máy cần có sự quan tâm hỗ trợ, triển khai của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của cấy máy; quy hoạch đồng ruộng, hình thành vùng sản xuất tập trung cùng giống, cùng trà thuận lợi đưa máy móc cơ giới vào đồng ruộng… Đồng thời, tháo gỡ khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai đề án. Về phía các đơn vị chuyên môn xây dựng nhiệm vụ theo Kế hoạch số 2597/KH-UBND của UBND tỉnh về Hỗ trợ mở rộng diện tích cấy máy giai đoạn 2023 - 2025 tới các xã, phường, thị trấn trên địa bàn nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham quan mô hình lúa cấy máy tại xã Nhân Mỹ.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy