Quan tâm mở rộng diện tích lúa cấy máy

Kỳ 2: Nông dân vẫn chưa mặn mà Chúng ta còn nhớ năm 1960, Bác Hồ đã đích thân lội ruộng dùng thử máy cấy thủ công kiểu Nam Ninh của Trung Quốc tại Trại thí nghiệm thuộc Sở Nông - Lâm Hà Nội. Lúc ấy chiếc máy cấy đã cho năng suất gấp khoảng 15 người cấy bằng tay, làm dấy lên mơ ước về chuyện giải phóng đôi bàn tay và cái lưng của những nông dân ngàn đời trồng lúa nước… Và thực tế 60 năm qua, cấy lúa bằng máy được đánh giá rất ưu việt. Tuy nhiên, máy cấy vẫn chưa thay được những bàn tay cấy lúa.

>>> Kỳ 1: Quan tâm mở rộng diện tích lúa cấy máy

Kỳ 2: Nông dân vẫn chưa mặn mà

Chúng ta còn nhớ năm 1960, Bác Hồ đã đích thân lội ruộng dùng thử máy cấy thủ công kiểu Nam Ninh của Trung Quốc tại Trại thí nghiệm thuộc Sở Nông - Lâm Hà Nội. Lúc ấy chiếc máy cấy đã cho năng suất gấp khoảng 15 người cấy bằng tay, làm dấy lên mơ ước về chuyện giải phóng đôi bàn tay và cái lưng của những nông dân ngàn đời trồng lúa nước… Và thực tế 60 năm qua, cấy lúa bằng máy được đánh giá rất ưu việt. Tuy nhiên, máy cấy vẫn chưa thay được những bàn tay cấy lúa.

Hiệu quả của máy cấy đem lại đã rõ, tuy nhiên việc mở rộng diện tích khá chậm. Tại không ít địa phương mặc dù máy cấy đưa vào đồng ruộng đã lâu nhưng vẫn không tăng diện tích và có xu hướng giảm. Cá biệt có nơi ngừng hoạt động tổ dịch vụ cấy máy. HTX Yên Bắc (thị xã Duy Tiên) là một ví dụ. HTX đầu tư 2 máy cấy cầm tay và giàn máy gieo mạ từ năm 2014. Diện tích lúa cấy máy tại HTX thời gian cao điểm (năm 2016) đã lên đến 36 ha. Tuy nhiên, sau đó cấy máy giảm dần duy trì 10 ha/vụ đến năm 2020. Đặc biệt, trong vụ xuân 2021 này HTXDVNN Yên Bắc đã ngừng hoạt động tổ dịch vụ cấy máy. Những diện tích lúa cấy máy trước đây người dân chuyển sang gieo thẳng. Ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc HTXDVNN Yên Bắc cho biết: Việc áp dụng cấy máy tại địa phương gặp khó khăn do đặc thù đồng đất không thuận lợi cho việc cấy máy. Về phía người dân có tư tưởng chuyển sang gieo thẳng chi phí thấp hơn. Vì thế, hiện tại HTX dừng dịch vụ cấy máy để tính toán và tổ chức lại sản xuất. Khả năng việc đưa máy cấy trở lại đồng ruộng và mở rộng diện tích là khó khăn trong những vụ tới.

Quan tâm mở rộng diện tích lúa cấy máy
Mạ khay chuẩn bị được đưa ra ruộng để cấy máy tại HTX An Đổ (Bình Lục).

Thực tế, hiện nay việc đưa máy cấy vào đồng ruộng đang gặp phải những hạn chế nhất định dẫn đến khó có thể mở rộng nhanh được diện tích. Đó là, nông dân tại không ít địa phương vẫn chưa quen với lúa cấy máy, khi thấy hàng thưa. Là do cấy máy thay cấy tay, làm thay đổi thói quen, tập quán rất bền chặt của người nông dân, cần có một thời gian triển khai và tuyên truyền nhất định thì họ mới tin tưởng vào chương trình. Khi cấy máy đạt 90% số dảnh đã là chuẩn, không cần phải cấy dặm lại vì lúa sẽ tự đẻ nhánh để bù vào nhưng một số nông dân vẫn làm động tác thừa này vì tâm lý thích cấy dầy cho chắc ăn nên cảm thấy vất vả. Bên cạnh đó, nhiều nơi do chưa quy hoạch được từng vùng, mỗi vùng cấy 1 giống nên công suất cấy của máy chưa được phát huy hết, không thực hiện cuốn chiếu. Mặt khác, ruộng đồng không bằng phẳng nên gặp khó trong khâu điều tiết nước. Nếu để nơi khô, nơi úng sẽ rất dễ bị ốc bươu vàng phá hoại vì cấy mạ khay rất ngắn và non. Đồng mấp mô cũng gặp bất lợi cho việc thoát nước của từng thửa lúc mới cấy. Chi phí cấy máy nếu so với gieo thẳng cao hơn rất nhiều dẫn đến ít đăng ký. Điển hình, tại huyện Thanh Liêm đã có một vài địa phương đưa máy cấy vào sản xuất nhưng sau đó dừng hẳn. Vụ này gần 100% diện tích lúa trên địa bàn huyện đều áp dụng phương pháp gieo thẳng. Một khó khăn nữa, đồng đất của các địa phương không đều, trong khi máy cấy chỉ hoạt động hiệu quả được ở những chân vàn cao, chiếm khoảng hơn 50% tổng diện tích. 

Hiện nay, các địa phương chủ yếu sử dụng máy cấy công suất thấp nên ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy chung. Ví dụ như máy cầm tay chỉ cấy được khoảng hơn 10 ha/vụ, máy to cũng chỉ đạt 20 – 30 ha/vụ. Trong khi đó, thời vụ sản xuất thường trong 7 – 10 ngày là phải cấy xong toàn bộ diện tích mùa vụ. Như vậy, 1 xã có diện tích 300 ha để cấy máy được toàn bộ cần khoảng 7 – 10 máy cấy rất khó để người dân đầu tư do chi phí mua cao (thấp nhất hơn 100 triệu đồng kể cả khay mạ). Máy cấy 1 năm chỉ hoạt động tối đa chưa đến 1 tháng (cho cả 2 vụ xuân và mùa) dẫn đến khấu hao máy kéo dài, nên ít nhà đầu tư quan tâm. 

Quan tâm mở rộng diện tích lúa cấy máy

Quan tâm mở rộng diện tích lúa cấy máy

Việc đưa máy cấy lúa vào hoạt động trên một số cánh đồng ở một số địa phương đã góp phần giúp bà con nông dân cải thiện chất lượng hạt thóc; đồng thời hỗ trợ xuống giống đồng loạt để kịp lịch thời vụ, giảm chi phí, giải quyết lao động...

Mặc dù về mặt kinh tế, gieo mạ khay, cấy máy giảm chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ dược, cấy tay. Đồng thời, cấy bằng máy ruộng thông thoáng, cây lúa tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời giúp cho sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh hại đỡ phải phun thuốc, đỡ phải bón phân mà năng suất vẫn tăng khoảng 10-15% so với cấy tay. Về xã hội, mô hình làm thay đổi nhận thức của nông dân, phát huy vai trò dịch vụ, thúc đẩy việc hình thành các tổ dịch vụ cho người sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, nâng cao đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa ở khâu cấy là khá cao nhưng diện tích lúa được cấy bằng máy thực tế lại phát triển rất chậm.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc này trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là một nguyên nhân chính. Vì đây là khâu quan trọng nhưng lại gặp không ít khó khăn và hạn chế. Do người dân không mặn mà đầu tư làm mạ khay bởi sản xuất mang tính thời vụ, thời gian gieo cấy  rất ngắn, không kịp quay vòng, kinh phí đầu tư ban đầu lớn, lâu thu hồi được vốn. Mặt khác, không như máy làm đất, máy gặt đập, mua máy về người chủ chỉ việc đánh đi các vùng để làm dịch vụ theo kiểu “ăn liền” cầm chắc tiền mặt trong tay, máy cấy đi kèm theo nó là xưởng làm mạ khay chiếm diện tích lớn với rất nhiều kỹ thuật phức tạp như chọn giống, ngâm ủ, rải mạ, chuyên chở… Bởi thế mà máy mua về có thể cấy được công suất lớn nhưng khâu làm mạ lại không chạy theo kịp. Thêm vào đó là mạ cấy xong còn phải bảo hành, gặp điều kiện bất thuận về thời tiết cũng rất dễ chết. Do vậy hiện nay, giá thể dùng cho mạ khay máy cấy phải nhập từ Thanh Hóa. Nên vì thế hầu hết các địa phương không chủ động được nguồn giá thể và chi phí bị tăng cao do thêm khâu vận chuyển.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là khâu tổ chức sản xuất do cấy máy cần làm gọn vùng trên quy mô lớn. Điều này đòi hỏi Hội đồng quản trị HTXDVNN đủ mạnh để tổ chức từ quy hoạch vùng, bố trí diện tích gieo mạ, đến điều hành sản xuất gắn với dịch vụ cấy máy… Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Cấy máy là một trong những khâu quan trọng để hoàn thiện việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng. Thực tế cho thấy, ở địa phương, HTX nào mạnh thì duy trì và tổ chức được dịch vụ cấy máy.

>>> Kỳ cuối: Phát huy tính ưu việt

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.