Việc đưa máy cấy lúa vào hoạt động trên một số cánh đồng ở một số địa phương đã góp phần giúp bà con nông dân cải thiện chất lượng hạt thóc; đồng thời hỗ trợ xuống giống đồng loạt để kịp lịch thời vụ, giảm chi phí, giải quyết lao động...
Kỳ 1: Hiệu quả đã rõ
Xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) hiện nay đã trở thành địa phương đi đầu trong tỉnh về áp dụng máy cấy vào đồng ruộng. Diện tích lúa cấy bằng máy của xã hiện đã được gần 150ha, chiếm trên 50% tổng diện tích gieo cấy. Đây là bước thay đổi lớn trên đồng ruộng của địa phương trong quá trình phát triển sản xuất, đưa cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng. Ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTXDVNN Tượng Lĩnh cho biết: Máy cấy ngày càng đóng vai trò quan trọng trên đồng ruộng địa phương. Hướng tới, đây là hình thức gieo cấy chính thay thế cấy thủ công truyền thống. Xóa đi hình ảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Được biết, xã Tượng Lĩnh hiện nay hình thành 2 tổ dịch vụ cấy máy. Các tổ dịch vụ này ký hợp đồng sản xuất với người dân thông qua HTXDVNN Tượng Lĩnh. HTX đảm nhiệm các khâu từ gieo, chăm sóc mạ khay đến cấy máy. Chi phí dịch vụ cho 1 sào cấy máy (gồm cả khâu gieo mạ, cấy máy và giống) dao động từ 280 – 300 nghìn đồng/sào, tùy vào giá của từng loại giống. Về phía HTXDVNN Tượng Lĩnh hỗ trợ tích cực cho các tổ dịch vụ máy cấy trong quá trình sản xuất từ quy hoạch vùng bố trí cơ cấu giống, mùa vụ đến phục vụ tưới, tiêu thuận lợi nhất cho vùng cấy máy. Những vụ đầu tiên đưa máy cấy vào đồng ruộng, Hội đồng quản trị HTX xuống trực tiếp thôn, đội sản xuất tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời, HTX cam kết về hiệu quả và năng suất của lúa cấy máy với người dân… Cùng với đó, HTXDVNN tạo điều kiện cho tổ dịch vụ cấy máy được thuê mặt bằng từ diện tích đất công ích của xã phục vụ gieo mạ khay. Đây chính là những yếu tố quan trọng để cấy máy trên địa bàn được duy trì và phát triển. Anh Nguyễn Văn Doan, tổ trưởng một tổ dịch vụ máy cấy tại Tượng Lĩnh cho biết: Từ nhu cầu diện tích cấy máy ngày một tăng, tổ dịch vụ đã đầu tư 3 máy cấy, gồm 1 máy ngồi lái hiện đại của hãng Kubota (Nhật Bản) cấy cùng lúc 6 hàng, năng suất cấy cao gấp 2 lần máy đẩy tay. Mỗi vụ, tổ đảm nhiệm cấy máy cho khoảng gần 100 ha lúa của xã.
Thực tế, máy cấy được đưa vào đồng ruộng đã làm thay đổi căn bản suy nghĩ, cách làm của người nông dân Tượng Lĩnh. Các vùng sản xuất bằng máy cấy đều theo hướng tập trung, cùng giống, cùng trà. Đặc biệt, những diện tích sản xuất này cơ bản đều thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp theo hình thức bán thóc tươi ngay tại đầu bờ sau khi thu hoạch. Bác Kiều Thị Ban, thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) chia sẻ: Toàn bộ gần 6 sào ruộng của gia đình đều được cấy máy trong vụ này với giống ĐT37 liên kết sản xuất cho doanh nghiệp. Do tổ dịch vụ đảm nhiệm cả khâu gieo mạ nên giảm tối đa được công lao động. Trước khi thông báo cấy hơn 1 ngày, tôi bố trí 1 lao động san mặt ruộng, đắp bờ. Diện tích lúa cũng được cấy xong trong 1 buổi trước Tết Nguyên đán.
Với xã An Đổ (Bình Lục) để phát triển cấy máy đã thành lập HTX cấy mạ khay An Đổ phát triển từ hộ làm dịch vụ với 1 máy cấy trước đây. Sau khi được thành lập, các thành viên HTX đã góp vốn đầu tư mua thêm 2 máy cấy và giàn máy gieo mạ khay hiện đại từ nguồn hỗ trợ một phần của đề án. Trong vụ xuân 2021, HTX cấy mạ khay An Đổ đã làm dịch vụ cấy máy cho 36ha tại 4 HTX trong huyện, tăng gấp 7 – 8 lần diện tích trước đây. Trong đó, HTX cấy mạ khay An Đổ đã làm dịch vụ cấy máy cho HTX ít thành viên Bình Thành (Tiêu Động) 16,2 ha, HTXDVNN Trung Lương 5,4 ha, HTXDVNN La Sơn 5,4ha, HTXDVNN An Đổ 9 ha. Ngay tại thôn Giải Đông của xã An Đổ, những vụ trước chỉ duy trì diện tích lúa cấy máy khoảng 1 ha, vụ xuân năm nay đã tăng lên 3,6 ha từ việc nâng cao năng lực phục vụ của HTX cấy mạ khay An Đổ.
Anh Trương Quang Hưng, Giám đốc HTX cấy mạ khay An Đổ cho biết: Nhu cầu cấy máy của người dân hiện nay ngày càng tăng lên. Về phía HTX đã cố gắng nâng cao năng lực, nhất là về máy móc thiết bị phục vụ. HTX đang tiếp tục chuẩn bị từ mặt bằng gieo mạ, nguồn kinh phí mua máy cấy để nâng khả năng phục vụ trong những vụ tới.
Trong vụ xuân 2021, việc áp dụng máy cấy vào đồng ruộng của tỉnh đã có chuyển biến đáng kể. Hiện cả tỉnh có tổng số 41 máy cấy, gồm: 3 máy ngồi công suất 4 ha/máy/ngày; 38 máy cầm tay công suất 2 ha/máy/ngày. Lúa cấy máy trong vụ xuân 2021 đạt hơn 600ha, tăng khoảng 100 ha so với vụ xuân trước. Một số địa phương có diện tích lúa cấy máy đạt khá, như: huyện Kim Bảng 283 ha, Bình Lục 120 ha, thị xã Duy Tiên 202 ha…
Thực tế sản xuất cho thấy, máy cấy có những ưu điểm nổi bật so với các hình thức gieo cấy khác. Cụ thể, áp dụng cấy máy người dân không phải lo gieo, chăm sóc mạ, khâu này đã được tổ dịch vụ đảm nhiệm gieo mạ khay. Đối với chi phí cấy máy hợp lý, ở mức 260 – 300 nghìn đồng/sào (gồm cả chi phí giống, gieo mạ và cấy máy). Trong khi hiện nay để thuê cấy thủ công ở mức 300 nghìn đồng/ngày trở lên, nhiều địa phương công cấy thủ công lên đến 450 nghìn đồng/ngày. Trong khi đó, người dân vẫn phải chi phí tiền giống, công gieo, chăm sóc, nhổ mạ ra ruộng cấy. Hiệu quả lao động tăng rất nhiều so với cấy thủ công, 1 máy cấy cầm tay 3 – 4 mã lực năng suất tương đương 40 lao động cấy thủ công. Với cây lúa cấy máy nhanh bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh khỏe. Một ưu điểm nổi bật nữa, lúa cấy máy thưa hàng hấp thụ ánh sáng tốt, khỏe và hạn chế rất nhiều sâu, bệnh, giảm 30% số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ môi trường. Năng suất lúa cấy máy qua các vụ sản xuất đạt cao hơn 5 – 7% so với cấy thủ công và gieo thẳng. Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN & PTNT) cho biết: Việc đưa máy cấy vào đồng ruộng hiện nay khá nhiều thuận lợi do người dân nhận thấy được những ưu điểm và hiệu quả đem lại trong quá trình sản xuất. Chắc chắn, những vụ tới, diện tích lúa cấy máy sẽ tiếp tục tăng, xu thế trở thành hình thức cấy chủ lực trên đồng ruộng.
Mạnh Hùng