Quản lý, khai thác hiệu quả diện tích ao, hồ, đầm

Những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý đối với diện tích ao, hồ, đầm; bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Song, hiện nay ở một số địa phương xảy ra tình trạng nhiều ao, hồ, đầm bị lấn chiếm, san lấp, gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường, giảm hiệu quả tiêu thoát nước và phòng, chống ngập lụt. Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng kè và đấu giá diện tích ao, hồ, đầm để nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, làm thế nào để siết chặt công tác quản lý, khai thác, xây dựng đối với diện tích này đang là vấn đề được các cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Qua rà soát, thống kê, cập nhật số liệu, thời gian qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu với UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục đầm, ao, hồ không được san lấp phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội của mỗi địa phương theo từng giai đoạn. Đến nay, toàn tỉnh có 626 hồ, ao, đầm với tổng diện tích gần 14.541.000 m2 mặt nước. Trong đó thành phố Phủ Lý có 25 hồ, đầm diện tích hơn 714.400 m2; thị xã Duy Tiên có 204 hồ, ao, đầm diện tích 1.606.463 m2; huyện Lý Nhân 121 hồ, ao, đầm diện tích 3.184.776 m2; huyện Thanh Liêm có 93 ao, hồ, đầm diện tích 532.813 m2; huyện Bình Lục có 83 hồ, ao, đầm diện tích 592.054m2; huyện Kim Bảng có 100 hồ, ao, đầm diện tích 7.910.465 m2. Các hồ, ao, đầm trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu chứa, tiêu thoát nước, nuôi trồng thủy sản, cảnh quan, điều hòa ở các thôn, xóm và khu dân cư. Nhiều ao, hồ, đầm có diện tích lớn như các hồ: chùa Bầu, Minh Khôi (thành phố Phủ Lý); đầm ông Tuyên xã Trác Văn, đầm Cao San xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); hồ Đa Hào thôn Trung Thành, xã Thanh Thủy, hồ xí nghiệp Sở Núi xã Thanh Tâm, ao trường THCS thôn Dương Xá xã Thanh Hà, ao cá Bác Hồ thôn Sọng Nội Lẻ, xã Liêm Sơn, đầm Nam Công, xã Thanh Tân (Thanh Liêm)…

Được biết, sau khi công bố danh mục hồ, ao, đầm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời yêu cầu ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm kết hợp áp dụng biện pháp quản lý hiệu quả.

Theo phân cấp, các đầm, ao, hồ thuộc quỹ đất công ích do UBND cấp xã quản lý nhưng ở nhiều địa phương do vị trí mặt nước nhỏ lẻ, nằm xen kẹp trong khu dân cư dẫn đến quản lý, khai thác gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý những hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, xả nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trực tiếp chưa được ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, việc cho thuê theo hình thức đấu giá cũng khó khăn do giá thủy sản không ổn định.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động (Bình Lục) cho biết: Xã có 40 ha đất công ích bao gồm cả diện tích nuôi trồng thủy sản, đất canh tác, trong đó diện tích ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản của xã khoảng 10 ha với 5 hợp đồng và đến ngày 31/12/2022 tất cả đã hết hạn. Nếu UBND xã ký cho thầu lại là sai quy định và phải thành lập Hội đồng đấu giá do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) thực hiện. Song, thực tế hiện nay các hộ trên địa bàn không có nhu cầu tham gia bởi chăn nuôi thủy sản hiệu quả thấp. Do vậy, hiện tại xã vận động các hộ tiếp tục sản xuất, thực hiện nghĩa vụ tài chính như trước đây cho đến khi có thông báo mới...

Quản lý khai thác hiệu quả diện tích ao hồ đầm
Trang trại nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao của anh Đinh Văn Quảng, thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm). Ảnh: Mạnh Hùng

Được biết, thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, một số địa phương đã quan tâm đầu tư kinh phí chỉnh trang, xây dựng kè hồ, ao, đầm để bảo đảm việc chứa, tiêu thoát nước và tạo cảnh quan môi trường. Song, quá trình thực hiện không đúng các quy trình dẫn đến vi phạm về quản lý đất đai và việc thi công công trình xây bị ảnh hưởng. Tại xã Đồng Hóa (Kim Bảng) có 6 ao, hồ, đầm tập trung ở các thôn: Yên Lạc, Phương Lâm, Đồng Lạc, Phương Xá với tổng diện tích 56.148 m2 mặt nước. Trong đó, hồ xóm Đá thôn Yên Lạc diện tích 10.030 m2, ao Giáp PK thôn Đồng Lạc 11.219 m2, ao giữa làng thôn Đồng Lạc 15.436 m2. Các ao hồ của xã cho nhân dân đấu thầu với những điều khoản quy định: không xây dựng nhà kiên cố, không sử dụng thức ăn công nghiệp, thường xuyên mở cống để thông nước nhằm bảo vệ nguồn nước và môi trường nông thôn.

Ông Ngô Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Giữa năm 2022, xã đầu tư kinh phí xây dựng kè, làm đường xung quanh một số ao, hồ ở các thôn: Yên Lạc, Đồng Lạc với tổng kinh phí mỗi dự án gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh, xây dựng tháp giữa hồ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay các dự án xây dựng kè, đường xung quanh hồ trước UBND xã tạm dừng thi công. Nguyên nhân do xã chưa đăng ký danh mục sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hiện xã đang hoàn thiện thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt...

Thời gian tới, với mục tiêu nâng cao công tác quản lý, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cấp xã cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu đất đai; lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai; hướng dẫn quy trình, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý đầm, ao, hồ trên địa bàn. Triển khai đồng bộ và hiệu quả những giải pháp trên sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách xã; đồng thời  huy động thêm các nguồn vốn để xây dựng, chỉnh trang đầm, ao, hồ nhằm bảo đảm cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Phùng Thắng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy