Những năm qua, mô hình tích tụ ruộng đất thực hiện sản xuất xen canh một vụ lúa, một vụ cá của anh Phạm Văn Nam, thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên phát huy hiệu quả tốt. Trừ các khoản chi phí, tính riêng nguồn thu từ lúa đã đạt tới vài trăm triệu/vụ. Để đạt được kết quả trên, anh Nam và gia đình đã phải kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, thất bại… Trò chuyện với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam, anh Phạm Văn Nam vui vẻ chia sẻ về quá trình tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng với khát vọng làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
P.V: Nói đến Đọi Tam là nói đến nghề làm trống truyền thống nổi tiếng trong cả nước. Sinh ra và lớn lên ở làng nghề tại sao anh lại chọn gắn bó với nghề nông?
Anh Phạm Văn Nam: Giống như bao gia đình khác trong làng Đọi Tam (xã Đọi Sơn trước kia, nay là xã Tiên Sơn), gia đình tôi nhiều đời cũng làm nghề trống truyền thống. Từ nhỏ tôi đã được làm quen, được dạy nghề làm trống truyền thống của quê hương. Lớn lên, theo nghề của cha ông, tôi đi làm trống khắp trong Nam, ngoài Bắc. Năm 2000, để ổn định cuộc sống gia đình tôi quyết định về quê lập nghiệp. Khi về quê, nhận thấy nghề làm trống chỉ đủ nuôi gia đình, trong khi đó sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu làm thủ công hết sức vất vả, hiệu quả lại không cao, tôi quyết định đầu tư mua máy làm đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vụ mùa 2000, máy làm đất phát huy hiệu quả tốt, tôi đầu tư mua thêm chiếc thứ 2, vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa làm dịch vụ trong và ngoài xã.
Trong quá trình làm, nhận thấy được những triển vọng khả quan trong đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tôi quyết định bỏ hẳn nghề làm trống, chuyển sang gắn bó với nghề nông. Tập trung làm nghề, cuối năm 2001, tôi mạnh dạn đầu tư mua thêm công nông làm dịch vụ vận chuyển. Năm 2004, tôi trúng thầu diện tích 7 mẫu đất 5% của UBND xã, từ đó gia đình làm thêm mô hình đa canh. Năm 2007, thấy diện tích thuộc vùng trũng, khó canh tác ở cánh Coi Gang, Đồng Miễu (thôn Đọi Tam) nhiều gia đình bỏ không cấy, tôi đã đến từng gia đình trao đổi, thỏa thuận để được gieo cấy trên diện tích đó. Thời gian đầu, bà con vui vẻ đồng ý cho cấy không; thậm chí nhà nhiều ruộng còn đóng hộ sản phẩm, có hộ còn giúp một vài công cấy khi đến vụ.
Từ vài mẫu, qua các năm diện tích được mở rộng dần lên tới vài chục mẫu. Năm 2017, khi có chủ trương tích tụ ruộng đất, tôi phải thuyết phục bà con cho thuê đất với giá 100.000 đồng/sào/năm. Lúc đầu nhiều người chỉ đồng ý cho mượn, không đồng ý cho thuê. Nhiều gia đình, tôi phải tới vận động, thuyết phục tới 4, 5 lần mới thỏa thuận được. Đến nay, ngoài mô hình đa canh 7 mẫu diện tích đất thầu của UBND xã, diện tích đất tích tụ sản xuất xen canh của gia đình tôi lên tới 120 mẫu (trên 43ha) ở cả thôn Đọi Tín, Đọi Nhì… Chọn nghề nông, từ nghề nông, gia đình tôi giờ đã có cuộc sống ổn định và khá giả.
P.V: Khi quyết định thôi hẳn nghề làm trống, chuyển sang làm nông có khi nào anh cảm thấy tiếc nuối?
Anh Phạm Văn Nam: Từ năm 2000, khi đầu tư mua máy làm đất tôi đã quyết định thôi hẳn nghề làm trống. Nói thật, làm nông không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những lần thất bại, buồn, nản tôi đã từng nghĩ, hay mình quay lại nghề làm trống, hoặc chuyển sang làm nghề khác? Nhưng tôi thực sự yêu và muốn gắn bó với đồng ruộng nên tiếp tục kiên trì vượt khó; kiên trì gắn bó với nghề nông chân lấm tay bùn, nhiều khó khăn vất vả. Và đất đai đã không phụ công người cực nhọc sớm hôm… Hiện tại, chỉ tính riêng từ lúa, trừ chi phí mỗi vụ gia đình tôi thu từ 500-600 triệu đồng. Trong quá trình sản xuất tôi nhận ra rằng, muốn làm giàu từ nghề nông, trước hết phải thực sự yêu và gắn bó với đồng ruộng. Phải dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư. Đặc biệt, phải kiên trì, chủ động học hỏi và không ngừng cố gắng.
P.V: Được biết, để đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh là người đầu tiên của xã mua máy cấy lúa ngồi lái công suất lớn?
Anh Phạm Văn Nam: Tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là quá trình tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. Nhận thức rõ được vấn đề này, không chỉ đầu tư mua máy cấy lúa ngồi lái công suất lớn, những năm qua, tôi đầu tư đồng bộ nhiều loại máy để phục vụ sản xuất. Cụ thể: Năm 2014, tôi đầu tư mua máy gặt đập, mua thêm máy làm đất. Năm 2017, đầu tư mua máy cấy. Năm 2018, bán máy gặt cũ, mua máy gặt máy mới công suất lớn. Năm 2019, mua thêm máy gặt với giá trên 600 triệu đồng.
Ngoài phục vụ sản xuất trên diện tích 120 mẫu của gia đình, phục vụ sản xuất cho bà con trong và ngoài xã, tôi còn chủ động liên kết làm dịch vụ cho các tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP Hà Nội... Vào thời vụ, gia đình tôi thường thuê thêm từ 30-50 lao động, người địa phương, chủ yếu là phụ nữ, tuổi tầm từ 40 đến trên 50 làm các công việc phụ, ngày công trả từ 300.000-500.000 đồng/người. Đội ngũ lái máy, gia đình liên hệ thuê lực lượng nam có sức khỏe, có tay nghề, hiểu biết về máy móc. Tích tụ được diện tích lớn, mạnh dạn đầu tư đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, do đó chi phí đầu tư giảm, công lao động giảm, năng suất được nâng lên… Nhờ vậy, thu nhập từ đồng ruộng cũng được nâng lên.
P.V: Gắn bó với nghề nông, nhiều năm đồng hành cùng bà con nông dân trong quá trình sản xuất, theo anh, trăn trở và mong muốn lớn nhất của nông dân hiện nay là gì?
Anh Phạm Văn Nam: Nghề nông là nghề vất vả, nếu làm nhỏ lẻ, thu nhập rất thấp. Thời gian qua, giá các loại vật tư, phân bón lại không ngừng tăng cao; có loại phân giá tăng gấp đôi so với năm 2020. Giá xăng lên, công máy làm đất, máy cấy, máy thu hoạch lúa đều tăng… Trong khi giá các loại thóc lại không tăng. Nếu không tích tụ được diện tích lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nông dân làm ruộng chỉ lấy công làm lãi. Mấy vụ gần đây, diện tích lúa gieo sạ của người dân ở một số địa phương bị nhiễm lúa cỏ, ảnh hưởng đến năng suất. Những diện tích này nông dân phải chịu thua lỗ, nói gì đến lãi. Trực tiếp làm nông nghiệp, luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong quá trình sản xuất, mong muốn của tôi, cũng là mong muốn chung của nông dân là Nhà nước cần sớm bình ổn giá phân bón, vật tư nông nghiệp; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển; giúp nông dân yên tâm sản xuất.
P.V: Đã làm giàu được từ nghề nông, tiếp tục gắn bó sản xuất nông nghiệp, thời gian tới anh có dự định gì mới?
Anh Phạm Văn Nam: Tuy tích tụ được diện tích lớn, đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhưng khâu tiêu thụ hiện nay gia đình tôi vẫn chưa ký kết, liên kết được với doanh nghiệp, giá thóc khi bán hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do. Trong thời gian tới, dự định và mong muốn của tôi là tập hợp một vài anh em yêu và tâm huyết với nghề nông; có diện tích sản xuất lớn thành lập HTX kiểu mới ít thành viên để hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển sản xuất. Đặc biệt, sẽ hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
P.V: Xin cảm ơn anh!
Phạm Hiền